Nguyễn Đức Cung - Nguyễn Đức Cung
Vũ man tạp lục thư được Ôn Khê Nguyễn Tấn viết vào năm 1871 khi ông giữ chức vụ Tĩnh Man Tiễu phủ sứ lo việc bình định vùng người Thượng ở Quảng Ngãi. Tập sách được in và phát hành vào năm Thành Thái thứ mười (1898).
Tên sách Vũ man tạp lục thư nghĩa là những ghi chép công cuộc đánh dẹp người man. Đây là một tài liệu có thể xem là đầu tiên viết về dân tộc thiểu số một cách có hệ thống.
Nguyễn Tấn đã chịu khó ghi chép rất cẩn thận và chi tiết về khoảng cách từng ngọn núi, vị trí các con sông, dòng suối, lối đi xa gần từ cơ (tên gọi của một đơn vị hành chánh) này sang cơ khác, ngôn ngữ, các tập tục, nếp sống của người dân miền sơn cước Quảng Ngãi. Cùng với đó, các sách lược đánh dẹp, phương cách phòng ngự, sự xây dựng và cải tổ dần dần qua các triều đại, sự tích đánh dẹp của các vị danh tướng đã từng trấn giữ vùng đất này cũng được tác giả ghi chép tỉ mỉ để làm tài liệu tham khảo cho hậu thế.
Trước đây cuốn sách đã được dịch sang tiếng Pháp và được lược dịch trong một vài tài liệu khác nhưng đa phần nội dung chứa nhiều sai lạc.
Bản này do Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải là bản dịch hoàn chỉnh nhất của cuốn Vũ Man tạp lục thư, đồng thời còn sửa chữa bổ sung những khiếm khuyết của các bản dịch trước đó. Vì sách không chỉ dịch nội dung Vũ man tạp lục thư của Nguyễn Tấn mà còn có phần khảo cứu của dịch giả Nguyễn Đức Cung để giúp người đọc có cái nhìn bao quát hơn về người Thượng vùng Quảng Ngãi, và còn in kèm phần chữ Hán để bạn đọc tiện đối chiếu.
Bìa sách là hình người Thượng mổ trâu, hình chụp của Baudesson (Nguồn Tạp chí Le Tour du Monde, 1909)
+TRÍCH ĐOẠN HAY :
“Khi phải họp nhau để dự một cuộc cướp phá nào đó thì phải có một người vừa giàu lại thừa can đảm đứng ra tổ chức. Nếu bói giò gà được quẻ tốt, họ chọn một khoảng đất rộng, cột một con trâu vào gốc tre cắm ở giữa, họp dân trong làng lại, đâm trâu để phát thệ và ăn uống. Đến ngày lên đường, người chủ mưu trước hết ném một hòn đá vào chân cột tre, sau đó mới đến các người khác cũng liệng mỗi người một hòn đá vào đó, đến ngày về người ta chỉ việc đếm số đá so với số người trở về để biết số còn mất.”
“Khi nhà nghèo tổ chức ăn Tết thì họ hàng được mời tới ăn phải tự mang theo gà của mình đến giúp thêm, khi nướng gà ăn thì cứ hai người một con gọi là một đôi. Cứ như thế, tục ăn Tết kéo dài đến ngót cả tháng bởi vì hàng xóm cứ đến lượt mình phải tổ chức cho đến khi giáp vòng thì mới thôi.”
“Sau những công việc gieo vãi, cấy lúa, phát bụi, mở vườn, làm nhà mới hoàn tất, thường có ba ngày kiêng cữ. Trong ba ngày này mọi người trong nhà đều đóng cửa nghỉ ngơi không làm việc gì cả, cũng không cho người ngoài lui tới. Người ngoài biết nhà nào kiêng cữ mà vẫn cứ đến tất sẽ bị đâm chết hoặc ngày sau trong nhà đó xảy ra sự chẳng lành gì thì lỗi là ở người đó và y sẽ bị phạt vạ không tha được.”