“Xứ tuyết”, một trong những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari, sẽ sớm ra mắt độc giả trong thời gian tới.
Năm 1968, nhà văn Kawabata Yasunari được trao giải Nobel Văn chương, trở thành người Nhật đầu tiên nhận vinh dự này. Trong tuyên bố trao giải Nobel, “Xứ tuyết” cùng “Rập rờn cánh hạc” và “Cố đô” là ba tác phẩm được Ủy ban Nobel Văn chương nhắc đến như căn cứ để xem xét sự nghiệp của Kawabata Yasunari.
“Xứ tuyết” được chuyển ngữ bởi dịch giả Uyên Thiểm, người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm sang tiếng Việt như: Tiếng núi, Người đẹp say ngủ, Hồ (Kawabata Yasunari), Bí mật của Naoko (Higashino Keigo), Kitchen (Banana Yoshimoto), Giáo sư và công thức toán (Yoko Ogawa), Sa môn Không Hải (Yumemakura Baku) và Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương (Haruki Murakami).
Thông tin tác giả Kawabata Yasunari
Kawabata Yasunari Sinh ngày 14.6.1899, là tiểu thuyết gia người Nhật Bản đầu tiên và là người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn chương. Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ảnh nhiều phương diện của văn hóa cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật Bản.
Bên cạnh viết văn, Kawabata còn làm phóng viên cho một số tờ báo. Mặc dù đã từ chối tham gia vào sự hăng hái quân phiệt trong Thế chiến II, ông cũng thờ ơ với những cải cách chính trị của Nhật Bản sau chiến tranh, nhưng rõ ràng chiến tranh có ảnh hưởng lớn lao đối với ông (cùng với cái chết của cả gia đình khi ông còn trẻ). Sau đó, ông nói rằng kể từ đó ông chỉ còn khả năng viết những tác phẩm bi ca mà thôi.
Năm 1972, Kawabata tự tử bằng khí đốt. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra: sức khoẻ kém, cuộc tình bị cấm đoán, sốc do vụ tự tử của người bạn văn năm 1970. Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh, các tác phẩm của ông cũng không có manh mối gì, nên đến nay không ai biết được nguyên nhân thật sự của cái chết đó.
Trong diễn văn của Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel Văn chương cho ông vào năm 1968, đã tôn vinh Kawabata: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người.”