Bộ sách Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh cống hiến việc giới thiệu và luận giải một cách tỉ mỉ các kinh văn, nghi thức được trình bày trong sách Nhật Tụng Thiền Môn đã lưu hành, lần lượt cho bảy ngày trong tuần, gồm những nội dung của hai thời công phu sáng chiều.
Tập 1 của bộ sách - Công Phu Ngày Thứ Hai giảng giải các kinh tiêu biểu được trì tụng trong ngày thứ Hai gồm: Kinh Kim Cương gươm báu cắt đứt phiền não, Kinh thương yêu, Kinh Mười nguyện phổ hiền, Diệt trừ phiền giận... Bên cạnh đó, sách còn bổ sung thêm phần phụ lục nguồn gốc kinh văn với nhiều thứ tiếng và những chỉ dẫn thực tập. Tin rằng đây là bộ sách ứng dụng thực tập bổ ích cho cả hai giới xuất gia và tại gia tu tập.
Tập 2 của bộ sách - Công Phu Ngày Thứ Ba tiếp tục việc phân tích, giảng giải các kinh tiêu biểu được trì tụng trong ngày thứ Ba gồm: Kinh Quán niệm hơi thở, Kinh Sức mạnh Quan Âm, Kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân; bên cạnh các kinh kệ thường nhật như Chuyển niệm, Quay về nương tựa, Ngày đêm an lành,... Bên cạnh đó, sách cũng bổ sung thêm phần phụ lục nguồn gốc kinh văn với nhiều thứ tiếng và những chỉ dẫn thực tập khác. Tin rằng đây là bộ sách ứng dụng thực tập bổ ích cho cả hai giới xuất gia và tại gia tu tập.
“Công phu là sự thực tập, là sự rèn luyện hằng ngày của chúng ta. Hễ có tu là có chứng, có rèn luyện là có thành công. Nhờ sự thực tập đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, thở, làm việc,… chúng ta đưa công phu của mình lên tới một mức độ nào đó, có thể làm cho ta từ một con người nở ra thành một đóa sen. Đóa sen không chỉ nở một cánh mà nở ra hai cánh, ba cánh, bốn cánh, ngàn cánh rất mầu nhiệm. Chỉ cần duy trì công phu của mình cho tinh chuyên, ta có thể làm cho đóa sen nở ra ngàn cánh, không chỉ ở đây mà ở khắp nơi; không phải trong những thời gian khác nhau mà là đồng thời. Cùng với tăng thân, chúng ta có khả năng làm cho những đóa sen ấy nở tươi từng giây từng phút.” — Thích Nhất Hạnh
“Các con hãy tự nuôi dưỡng mình bằng hỷ và bằng lạc. Đó là lời của đức Thế Tôn đã dạy. Khi trở về với lĩnh vực cảm thọ, ta phải thực tập làm sao để có thể nuôi dưỡng ta trong mỗi giây, mỗi phút bằng hỷ thọ và lạc thọ. Nếu ta không nuôi dưỡng được mình bằng hai cảm thọ đó, ta không thể đi xa trên bước đường thực tập. Cho nên bài tập hỷ và lạc đi trước, còn những nỗi đau, vướng mắc thì ta sẽ xử lý sau. Hỷ và lạc là những gì ta có thể chế tác được. Đó là tuệ giác của Bụt.” (Trích Kinh Quán niệm hơi thở)