Cuốn sách là tập hợp chín bài viết và tham luận quan trọng của Karl R. Popper do chính ông chủ biên và xuất bản lần đầu tại Oxford University Press, 1972 với nhan đề Objective Knowledge; 3 chương đầu được dịch sang tiếng Pháp, xuất bản dưới nhan đề La Connaissance Objective, Nxb Complexe, 1978. Theo ông, vấn đề cơ bản của triết học khoa học là vấn đề phân ranh – phân biệt giữa đâu là khoa học và phi khoa học – và vấn đề tính khả kiểm sai hay tính có thể bác bỏ được.
---------------------------------
“Con người, như một vài triết gia hiện đại nhận định, là kẻ lạc loài [bị tha hóa - N.D] trong thế giới của mình: y là một người dưng, run rẩy trong cái thế giới chưa bao giờ do y tạo ra. Có lẽ y là kẻ lạc loài thật; thế nhưng muôn thú và thậm chí cây cỏ cũng chẳng khác gì y. Chúng cũng được sinh ra từ thuở hồng hoang trong một thế giới lí -hóa, một thế giới chưa bao giờ do chúng tạo ra. Nhưng dù không tự tạo ra thế giới của mình, những sinh linh này đã cải biến nó tới mức không còn nhận ra được nữa, và đúng là chúng đã tái tạo cái góc trời nhỏ bé của vũ trụ nơi mình sinh ra.
Chúng ta không hề tạo dựng thế giới của mình. Thậm chí cho đến giờ, ta cũng chẳng cải tạo được nó bao nhiêu so với những gì động vật biển và cây cỏ đã làm được. Tuy thế chúng ta đã tạo ra được một loại sản phẩm hay chế phẩm mới, có cơ với thời gian sẽ góp phần mang lại những biến đổi lớn cho góc trời của chúng ta, những thành quả vĩ đại không kém gì những thành quả của các bậc tiền bối, của đám cây cỏ, những nhà sản xuất oxy và của lũ san hô, những người xây đảo. Những sản phẩm mới đó chính do tự chúng ta tạo ra, chúng là những huyền thoại, những ý niệm, và nhất là những lí thuyết khoa học: những lí thuyết về thế giới ta đang sống.”
Karl R. Popper (1902-1994) là một nhà triết học, xã hội học, logic học người Áo. Ông được coi là một trong những triết gia vĩ đại nhất thế kỉ XX. Ban đầu, Karl R. Popper chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng logic, song ông cũng là một trong những người đầu tiên phê phán trường phái đó, và xây dựng trường phái triết học của riêng mình – chủ nghĩa duy lí phê phán.
Các tác phẩm chính của ông, gồm có: Xã hội mở và kẻ thù của nó (1945), Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (1957), Logic của sự khám phá khoa học (1959), Tri thức khách quan – một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa (1972)…
2. Về tác phẩm
”Ngược hẳn với chủ thuyết duy tự nhiên phương pháp luận trong địa hạt xã hội học, thuyết sử luận khẳng định rằng do những khác biệt sâu sắc giữa xã hội học và vật lý học, nên không thể đem áp dụng một số phương pháp đặc trưng cho vật lý học vào các bộ môn khoa học xã hội được. Thuyết này nói với ta rằng, những định luật vật lý, hay “những định luật của giới tự nhiên” lúc nào cũng có giá trị hiệu lực ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào […] Mặc dù vẫn công nhận là có thể quan sát thấy rất nhiều những điều kiện xã hội điển hình tái diễn một cách đều đặn, thuyết sử luận vẫn không cho rằng những sự lặp đi lặp lại đều đặn theo trình tự nhận thấy được trong đời sống xã hội đó có cùng một đặc tính như những sự lặp đi lặp lại đều đặn mang tính bất biến của thế giới vật chất […] Chúng phụ thuộc vào từng tình huống lịch sử đặc thù...” Đó là những ý niệm đầu tiên đến với người đọc về một khái niệm còn khá mới mẻ với đông đảo độc giả trong cuốn sách khá nổi tiếng của tác giả Karl Popper: Sự nghèo nàn của thuyết sử luận. Mạnh dạn chỉ rõ những điểm chưa hoàn thiện, đồng thời, trực tiếp phê phán chúng bằng cái nhìn khoa học và mang tính đóng góp, Karl Popper có thể xem là đã thành công trong việc biến các sản phẩm của khoa học nghiên cứu có phần trừu tượng trở nên gần gũi hơn với đông đảo độc giả.
Với Sự nghèo nàn của thuyết sử luận, tác giả Karl Popper muốn chứng minh rằng: thuyết sử luận là một phương pháp nghèo nàn - một phương pháp không “đơm hoa kết trái”, không thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực mà chúng ta hằng tưởng. Thông qua việc khái quát lại một cách cô đọng nhất những ý tưởng liên quan đến thuyết sử luận (tập trung ở hai vấn đề chính là luận thuyết phản tự nhiên luận và luận thuyết duy tự nhiên luận), Karl R. Popper đã cố chỉ ra ý nghĩa của thuyết sử luận với tính chất một cấu trúc trí tuệ đầy quyến rũ. Ông đã phân tích cái logic của thứ chủ thuyết ấy - một thứ chủ thuyết nhiều khi rất tinh vi, rất hấp dẫn và rất xảo trá - và cũng đã cố lập luận rằng nó đang mắc phải một thứ bệnh cố hữu, vô phương cứu chữa...
”... Ta có thể diễn giải “lịch sử” như lịch sử đấu tranh giai cấp, hoặc như lịch sử đấu tranh chủng tộc để giành quyền là chủng tộc thượng đẳng, hoặc như lịch sử tư tưởng tôn giáo hoặc lịch sử đấu tranh giữa xã hội “mở” và xã hội “khép kín”, hoặc như lịch sử của tiến bộ khoa học và công nghiệp. Tất cả đều là những quan điểm mang tính quan thiết không ít thì nhiều và không có gì đáng chê trách. Nhưng các nhà sử luận lại không trình bày chúng đúng như thế; họ không nhìn ra sự cần thiết của tính đa dạng trong những cách diễn giải về cơ bản tương đương nhau (cho dù một số trong những cách diễn giải ấy có thể nổi bật lên nhờ vào tính phong phú của chúng - một điều ít nhiều có ý nghĩa). Thay vì thế, họ trình bày chúng như những học thuyết hoặc lý thuyết và khăng khăng rằng “toàn bộ lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp”, v.v. Và nếu thấy rằng quan điểm của mình là phong phú và có nhiều thực kiện có thể được sắp xếp theo thứ tự và diễn giải dưới ánh sáng quan điểm của mình, họ sẽ nhầm lẫn quan điểm với một sự chứng thực, hoặc thậm chí một phép chứng minh, cho học thuyết của họ...”
Trực diện, thẳng thắn và sâu sắc, những đóng góp của Karl Popper trong tập sách Sự nghèo nàn của thuyết sử luận và nhiều tác phẩm thể hiện rõ quan điểm của ông về chủ nghĩa duy lí phê phán thực sự mang lại cho những độc giả quan tâm, các nhà nghiên cứu xã hội những giá trị, ý nghĩa nhất định về phương pháp luận khoa học. Thông qua đó, lịch sử, xã hội và nhiều diện mạo khác của đời sống con người được chụp lại, phản ánh lại có chiều sâu và thực tế hơn, đúng đắn hơn.