Triết học của Spinoza là một trong những nỗ lực triệt để nhất nhằm xây dựng một bản thể học thuần túy bằng một chất vô hạn duy nhất. Cuốn sách này, trình bày những ý tưởng chính của Spinoza dưới dạng từ điển, có chủ đề là sự đối lập giữa đạo đức và luân lí, và mối liên hệ giữa các mệnh đề đạo đức và hữu thể học. Đạo đức của ông là tập tính học, thay vì là khoa học luân lí.
“Không có triết gia nào đức hạnh hơn, cũng không có ai bị lăng mạ và căm ghét nhiều như ông. Để hiểu được lí do này thì chỉ nhắc lại luận đề lí thuyết quan trọng của thuyết Spinoza là không đủ: một bản thể duy nhất có vô hạn thể tính, Deus sive Natura , toàn bộ “mọi tạo vật” chỉ là những thể cách của những thể tính, hay là những biến thể của bản thể này. Nhưng vẫn thiếu sót nếu ta đơn thuần chỉ ra làm sao thuyết phiếm thần và vô thần kết hợp với nhau trong luận đề ấy, đồng thời cũng phủ định một Thượng Đế luân lí, sáng tạo và siêu việt”.
- Gilles Deleuze
Về tác giả Gilles Deleuze
Gilles Deleuze (1925-1995) là triết gia Pháp có ảnh hưởng về triết học, văn học, điện ảnh và cả hội họa của thế kỷ XX.
Một số tác phẩm chính của ông như Différence et Repétition (1968), Logique du sens (1969), Mille plateaux (1980) có tiếng vang lớn trong giới đại học phương Tây và hết sức thịnh hành trong những năm 1970, 1980. Tư tưởng của Deleuze đôi khi dựa vào chủ nghĩa hậu-cấu trúc.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Spinoza là Đạo đức học chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời. Quan điểm của ông đối lập với Nhị nguyên tâm trí - cơ thể của Descartes, ngay lập tức đưa ông trở thành một trong những triết gia phương Tây quan trọng nhất. Georg Hegel từng nói "Spinoza là điểm thử thách của triết học hiện đại, tới mức ta cần phải thừa nhận: Hoặc ta theo Spinoza, hoặc ta không phải là triết gia."Thông qua những thành tựu triết học cùng tính cách con người.
Baruch Spinoza hay Benedict Spinoza (1632-1677) là một triết gia lớn người Hà Lan, tạo nên ảnh hưởng đáng kể cho sự phát triển của triết học phương Tây thế kỷ XVII-XVIII. Spinoza có nhiều đóng góp cho sự phát triển của triết học phương Tây trên các phương diện bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học. Ông viết nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó tiêu biểu nhất là Khảo luận về chính trị - thần học (Latin: Tractatus Theologico-Politicus) và tác phẩm đồ sộ Đạo đức học (Latin: Ethica).
Dưới góc độ của bản thể luận và chịu ảnh hưởng bởi thần học, Spinoza vẫn cho rằng Thiên Chúa chính là bản thể (substance), là tồn tại đích thực của thế giới. Nhưng ông không tán đồng với quan niệm của thần học Ki-tô giáo cho rằng Thiên Chúa là một Đấng Sáng thế có trước và tạo tác nên thế giới từ hư vô.
Ngược lại, ông lý giải rằng Thiên Chúa tự đồng nhất chính mình với Tự nhiên, Thiên Chúa chính là toàn bộ Tự nhiên nói chung. Thiên Chúa là nguyên nhân tự thân, nghĩa là Ngài tự vận động và tự biểu hiện chính mình trong vô hạn các sự vật, hiện tượng thuộc về Tự nhiên. Ý chí thần thánh hay quyền năng của Thiên Chúa không tách biệt với Tự nhiên mà phản ánh trong chính những quy luật tự nhiên mang tính tất yếu và tính phổ biến. Với những quan niệm này, thực tế là Spinoza đã phủ nhận Thiên Chúa với vai trò một Đấng Sáng thế, phủ nhận luôn cả sự tồn tại của cõi siêu nhiên, và ông gián tiếp khẳng định rằng Tự nhiên là cái tự thân tồn tại, vĩnh cửu và vận hành theo những quy luật thuộc về chính nó. Tư tưởng đồng nhất Thiên Chúa với Tự nhiên của Spinoza đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý thuyết cho một khuynh hướng tư tưởng triết học - thần học có tầm ảnh hưởng đáng kể: đó là phiếm thần luận (pantheism).
Trên phương diện nhận thức luận và đạo đức học, Spinoza cũng có những quan điểm đáng chú ý. Đối với nhận thức luận, Spinoza nêu lên rằng “một ý niệm đúng thì phải hài hòa với đối tượng của ý niệm đó”, nghĩa là tri thức đúng đắn thì nó phải đúng với đối tượng, phù hợp với đối tượng [khách quan].
Về đạo đức học, Spinoza chủ trương rằng: cảm xúc và lý trí là cơ sở của hành vi đạo đức, nếu chúng ta sống theo sự hướng dẫn của lý trí, thì chúng ta sẽ có những cảm xúc tích cực, những cảm xúc này sẽ thôi thúc chúng ta làm điều tốt và ủng hộ người khác làm điều tốt.
Có thể nói, Spinoza đã để lại dấu ấn của riêng mình trong dòng chảy tư tưởng của nhân loại. Đặc biệt, phiếm thần luận của Spinoza đã được các nhà tư tưởng thế hệ sau tiếp nhận theo những cách khác nhau và vẫn còn tạo nên nhiều cuộc tranh luận trong lĩnh vực thần học và triết học trên thế giới.