Miếng ăn, tiền mặt, xèng, đồng, bạc, hào… cho dù bạn gọi nó là gì thì tiền vẫn quan trọng. Với mỗi người tiền mang một ý nghĩa khác nhau.
Với người Ki-tô giáo, lòng yêu tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Với các vị tướng, tiền là tài lực nuôi chiến tranh; với các nhà cách mạng, nó là gông xiềng của tầng lớp lao động. Nhưng thực sự tiền là gì? Có phải nó là một núi bạc như các nhà chinh phục người Tây Ban Nha từng nghĩ? Hay chỉ cần là những phiến đất sét và những tờ giấy in? Làm thế nào mà chúng ta lại sống trong một thế giới nơi hầu hết tiền bạc đều vô hình, không nhiều nhặn gì hơn những con số trên màn hình máy tính? Tiền từ đâu đến? Và chúng đã biến đi đâu?
Đồng tiền có bẩn thỉu như chúng ta vẫn thành kiến? Bất chấp tất cả, đồng tiền đã lên ngôi, và sự lên ngôi của đồng tiền là thiết yếu cho sự lên ngôi của loài người, đưa con người từ mức sống khốn khổ lên đỉnh cao của sự thịnh vượng vật chất.
Có thể nói không ngoa rằng tiền là một phát minh vĩ đại nhất về mặt kinh tế của loài người cho đến nay. Và để tìm hiểu một cách thấu đáo, đầy đủ về tiền là một việc hoàn toàn không đơn giản. Rất may là phần lớn các tri thức này đã được Niall Ferguson hệ thống hóa một cách khoa học và trình bày một cách hấp dẫn trong cuốn sách Đồng Tiền Lên Ngôi (The Ascent of Money).
Niall Ferguson viết cuốn sách này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 bắt đầu manh nha. Qua những sự kiện lịch sử vừa vinh quang vừa tăm tối, cùng những nhân vật lẫy lừng vừa có khả năng sáng tạo vừa có khả năng hủy diệt trong thế giới tài chính; cuốn sách kể câu chuyện hấp dẫn về sự ra đời của tiền tệ và tín dụng, thị trường trái phiếu và cổ phiếu, về bảo hiểm và bất động sản - những thành tố then chốt của nền tài chính đã định hình các xã hội và hệ thống tài chính toán cầu - từ thời Lưỡng hà cổ đại tới đầu thế kỉ 21, với những cuộc khai sinh, bước tiến đến đỉnh cao, những cơn khủng hoảng và bài học đắt giá. Cuốn sách cho thấy lĩnh vực tài chính gắn bó mật thiết, tác động lớn lao, lâu dài đến chúng ta ra sao: các thị trường tài chính là tấm gương của nhân loại, hé lộ từng ngày từng giờ về cách chúng ta định giá bản thân và những tài nguyên xung quanh.
Hơn mười năm đã trôi qua với nhiều thay đổi rõ nét như cục diện chính trị thế giới hay sự xuất hiện của tiền mã hóa công nghệ cao, nhưng tác giả khẳng định rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ sớm muộn gì cũng diễn ra và sẽ không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đó. Ấn bản này của cuốn sách đã được tác giả bổ sung hai chương mới với những thông tin cập nhật, hi vọng những dự báo trong đó sẽ phần nào hữu ích cho độc giả.
Đọc cuốn sách này bạn sẽ hiểu tại sao, thật là nghịch lý, những người sống ở quốc gia an toàn nhất thế giới cũng là những người được bảo hiểm nhiều nhất trên thế giới. Bạn sẽ phát hiện ra từ bao giờ và tại sao những dân tộc nói tiếng Anh lại mang nỗi ám ảnh kỳ quặc với việc mua bán nhà. Có lẽ điều quan trọng hơn cả là bạn sẽ thấy quá trình toàn cầu hóa tài chính, cùng với nhiều hệ quả khác, đã xóa nhòa ranh giới ngày xưa giữa các thị trường phát triển và các thị trường mới nổi như thế nào, biến Trung Quốc trở thành chủ ngân hàng của nước Mỹ - chủ nợ cộng sản của con nợ tư bản, một sự đổi thay có tầm thời đại.
Tác phẩm này được chuyển thể thành kịch bản chương trình tài liệu của Channel 4 và PBS. Ảnh trên bìa dùng bức tranh Portrait of a Merchant (Chân dung một thương nhân) của họa sĩ Jan Gossaert.
Nội dung cuốn sách Đồng Tiền Lên Ngôi - Lịch Sử Tài Chính Thế Giới
Đồng tiền lên ngôi được mở đầu với một phần hướng dẫn bao quát về lịch sử của thế giới với sự phát triển và suy tàn của nhiều mô hình xã hội sử dụng và không sử dụng tiền tệ. Theo tác giả, tiền không đơn thuần là một phương tiện để phục vụ việc trao đổi, giao thương. Với quá trình hình thành được dẫn ngược về các định dạng thô sơ nhất của tiền tệ như những phiến đất sét từng được sử dụng cho việc ghi chép các hoạt động nông nghiệp của khu vực Lưỡng Hà, tiền tệ còn được xem như là “vấn đề của niềm tin, thậm chí là đức tin”.
Từ đó, tác giả dẫn chúng ta qua các chủ đề về hệ thập phân và phương thức tính lãi, những khái niệm gốc rễ của tài chính hiện đại; sự tham gia của người Do Thái trong lịch sử phát triển tài chính cùng hoạt động cho vay nặng lãi và sau đó là sự đi lên của thế lực tài chính hùng mạnh Medici tại Florence vào thế kỷ 14 và 15; ba phát minh cơ bản được thêm vào mô hình tài chính của nền kinh tế Ý: tiền tệ được tiêu chuẩn hóa, sự hình thành của hệ thống dự trữ theo tỉ lệ (fractional reserve banking), và độc quyền phát hành giấy bạc ngân hàng của ngân hàng trung ương; sự hình thành, phát triển, và suy tàn của hệ thống bản vị vàng để nhường chỗ cho một hệ thống lưu hành giấy bạc ngân hàng dựa trên các khoản tiền gửi ngân hàng và tỉ giá hối đoái thả nổi.
Chương 2: Bàn về thị trường trái phiếu, các rentier, và lạm phát. Thị trường trái phiếu được cho là cuộc cách mạng vĩ đại thứ hai trong sự lên ngôi của đồng tiền.
Chương 3: Đề cập đến các hiện tượng bong bóng trên thị trường tài chính. Tác giả cung cấp một phần phân tích tổng quát cho lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Mỹ trong giai đoạn 1979-2008.
Chương 4: Được dành để bàn về rủi ro, bắt đầu bằng khái niệm cơ bản về bảo hiểm với vai trò là một công cụ phòng chống rủi ro trong tương lai. Tác giả chuyển tiếp đến lịch sử của ngành bảo hiểm hiện đại và nguồn gốc của nó từ Scotland.
Chương 5: Nói về cuộc chơi bất động sản và các ảnh hưởng của nó đến thị trường tài chính, bắt đầu với lịch sử của trò chơi Cờ tỉ phú và sự say mê của các nước phương Tây đối với bất động sản.
Chương 6: Mô tả quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới về thương mại và đầu tư, sự xuất hiện của các nền kinh tế mới nổi, hay theo cách nói của tác giả là mới nổi trở lại (vì thực tế là một số nền kinh tế này trước đây đã có thời kỳ đặc biệt hùng mạnh).
Chương 7: Tóm lược lại bằng ngôn ngữ cô đọng nhất lịch sử phát triển của tiền tệ và hệ thống tài chính quốc tế, sự không bằng phẳng trong lịch sử của nó với quá nhiều giai đoạn bùng-vỡ cũng như nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này.
Chương 8 và chương 9 là sự bổ sung mới cho ấn bản lần này bàn về sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008, gây nên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những phản ứng trở lại từ các quốc gia, cũng như sự xuất hiện của tiền mã hóa như bitcoin…
“Quảng trường và tòa tháp: Mạng lưới và quyền lực, từ Hội Tam điểm đến Facebook” (tên tiếng Anh: “The Square And The Tower: Networks And Power, From The Freemasons To Facebook”) là tác phẩm mới nhất của tác giả từng đạt nhiều giải thưởng nổi tiếng của Anh - Niall Ferguson. Xuất bản lần đầu năm 2018 và được bình chọn là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times, tác phẩm đã mang đến một bản tái hiện xuất sắc những bước ngoặt trong lịch sử thế giới, bao gồm cả giai đoạn mà chúng ta đang sống, cũng như sự va chạm giữa hệ thống phân cấp quyền lực cũ và mạng xã hội mới.
Tác giả Niall Ferguson (18/4/1964) là một trong các sử gia nổi tiếng nhất ở thời hiện đại, được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2004. Ông là tác giả của 15 cuốn sách nổi tiếng, được giới chuyên môn cũng như độc giả đánh giá cao.
Thế kỷ XXI đã được ca ngợi là kỷ nguyên của kết nối mạng lưới, hiểu theo cả nghĩa công nghệ lẫn nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong “Quảng Trường Và Tòa Tháp”, Niall Ferguson lập luận rằng các mạng lưới đã và luôn luôn đồng hành cùng chúng ta từ rất lâu đời cho đến tận thời nay, từ hình thái cấu trúc của bộ não đến chuỗi thức ăn, từ phả hệ gia đình đến khối cộng đồng tự do… Trật tự thứ bậc (mô hình tổ chức theo chiều dọc) và kết nối mạng lưới (mô hình kết nối quan hệ theo chiều ngang, với ví dụ dễ thấy ở thời hiện đại là các mạng xã hội như Facebook, Twitter…) đã luôn tồn tại song song với nhau xuyên suốt sự phát triển của xã hội loài người; chứ hoàn toàn không giống như chúng ta tưởng, rằng mạng xã hội chỉ mới xuất hiện gần đây.
Có thể nói, cuốn sách này ra đời với tư cách một khảo sát về lịch sử tồn tại và hoạt động của các hệ thống mạng lưới trong xã hội con người (từ câu chuyện về các hội kín cho đến các “mạng lưới” được ứng dụng trong chiến tranh du kích ở Borneo và chiến tranh Việt Nam… từ trước thời Facebook; từ việc các mạng lưới giúp tạo ra những phát kiến đổi mới cho đến việc các hệ thống trật tự thứ bậc đã giúp phổ biến các phát minh đổi mới đó…), về căng thẳng giữa các mạng lưới phân tán và các trật tự thứ bậc vốn lâu đời như chính loài người và tồn tại bất chấp tình trạng công nghệ (mặc dù công nghệ có thể ảnh hưởng đến việc bên nào chiếm ưu thế), cũng như sự trở mình để vươn lên nắm lấy quyền lực tối cao trong một xã hội của những mạng lưới này, để từ đó có thể tác động làm biến chuyển và cải tạo các cộng đồng từ phạm vi cục bộ đến toàn cầu.
Nhiều người ngày nay mắc sai lầm khi nghĩ rằng Internet đã thay đổi bản chất thế giới. Tuy nhiên, theo một phán quyết đa số gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ đã ghi nhận, Internet chỉ là “quảng trường công cộng hiện đại”. Kỳ thực, công nghệ đến và đi. Thế giới vẫn là một thế giới của quảng trường và tòa tháp.
Như chính tác giả Niall Ferguson đã phân bày:
“Để hiểu được tại sao cuốn sách này được đặt tên là “Quảng trường và tòa tháp”, người đọc phải đi đến Siena. Đi bộ qua quảng trường có hình vỏ sò Palazzo del Campo đến tòa thị chính Palazzo Pubblico, bước qua dưới bóng gác chuông tòa tháp Torre del Mangia hùng vĩ, để thấy rằng không nơi nào trên thế giới bạn có thể gặp cảnh tượng hai hình thức của tổ chức loài người mà cuốn sách miêu tả lại được đặt cạnh nhau tao nhã đến vậy: xung quanh bạn là không gian công cộng xây dựng với mục đích phục vụ tất cả những hoạt động có phần không quá trang trọng của người dân [quảng trường]; còn phía trên là tòa tháp hùng vĩ tượng trưng và biểu hiện cho quyền lực lâu đời.”
Thông tin tác giả Niall Ferguson
Niall Ferguson Sinh năm 1964, là sử gia người Anh, là một trong các sử gia nổi tiếng nhất ở thời hiện đại. Ông là giáo sư của Đại học Harvard, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Stanford và Đại học Oxford; chuyên gia trong các lĩnh vực lịch sử quốc tế, lịch sử kinh tế và tài chính cũng như chủ nghĩa đế quốc của Anh và Mỹ.
Năm 2004, Niall Ferguson được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.