Tất cả những con người vốn tự mình sáng tạo ra cả một thế giới nhân vật, lần này chính họ lại trở thành nhân vật trong tay người khác. (Trích đề từ của cuốn sách)
Tức là trong tay Hồ Anh Thái, các nhà văn, nghệ sĩ được thành một nhân vật- là chính họ, nhưng được nhìn từ những góc khác nhau của con mắt nhà văn.
Bức chân dung (của Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Minh Thái, Ý Nhi, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Việt Linh, Lê Dung, Chí Trung, Trần Đại Thắng, Nguyễn Ngọc Thuần, Aziz Nesin, George Evans, Bodil Malmsten, Maxine Hong Kingston, G.Emerson, S.Lidman…) do Hồ Anh Thái vẽ bằng lời theo cách giản dị của mình, đoạn kể, đoạn đối thoại, chỗ tô đậm, chỗ chỉ là nét phác qua… Tác giả và nhân vật đối thoại với nhau về nghề, về đời văn, về một cuốn sách, về một người bạn, hoặc đơn giản là những câu chuyện đời thường, những chi tiết hành xử, có khi chỉ là vài câu nói… Chân dung hay ký họa những nhân vật nổi tiếng trong giới văn chương, nghệ sĩ, trong và ngoài nước được thành hình từ những chi tiết đó, không phải lúc nào cũng ở thế nhìn thẳng, có khi nhìn nghiêng, nhưng đủ để hình dung người ấy rõ ràng với đầy đủ tính cách đời thường, và những thành tựu của họ trong công việc, sinh động lấp lánh “như cá tươi”!
Thể loại chân dung thường cho thấy tình cảm của người viết và người được viết. Trong tập sách này cũng không ngoại lệ. Một bức chân dung đầy đủ, không quá lời, và tất nhiên, nó khác với các hình chân dung người khác vẽ. Sự ưu ái, nếu cần nói, là ở chính những nhân vật mà Hồ Anh Thái chọn, là chính các nhà văn, họa sỹ nghệ sỹ này, chứ không phải người kia, người khác. Thấy rõ cái tình âu yếm của tác giả viết về những người bạn nhà văn, nghệ sĩ của mình, không chỉ trong những thán phục ngầm ẩn, mà đặc biệt trong cách chọn từ để nói những ý không phải là ca ngợi về người mình đang kể về.
Phần cuối của Họ trở thành nhân vật của tôi với tên gọi “Chốc lát những bến bờ” được viết theo thể du ký – là những ghi chép về các chuyến đi. Với Hồ Anh Thái, những chuyến đi về đất Phật Ấn Độ, đến Ba Tư quê hương của những câu chuyện thần kỳ với những khu chợ và những tấm thảm, sang đất cố đô Lào “cũng ngồi với nhau ở miền Đông Nam Á”, đến Hàn Quốc, hay sang châu Mỹ, châu Úc, châu Âu… đều tưng bừng hấp dẫn với muôn vẻ màu sắc bởi nét bí ẩn đầy ngạc nhiên của từng vùng văn hóa đặc sắc. Đọc du ký của Hồ Anh Thái, lại thấy thôi thúc muốn lên đường, đến nơi mà anh đã đến, để thấy “Văn hóa là cuộc gặp gỡ con người với con người”.
22 truyện ngắn trong tập sách này, nếu ghi năm sáng tác vào dưới mỗi truyện, hẳn sẽ khiến bạn đọc thấy bất ngờ và thú vị. Bởi đó là các truyện tác giả viết từ nhiều năm gần đây, được tác giả tập hợp lại, thế mà lại có kết cấu chặt chẽ như một khối rubic, không hề lộ vết ghép của thời gian.
Có lẽ đó là do Hồ Anh Thái viết các truyện ngắn này ở vào độ chín của tuổi đời tuổi nghề; và gom lại thành một tập, khi đã có quá nhiều “kinh nghiệm” trong việc xuất bản sách, để mỗi tác phẩm của anh trở thành một chỉnh thể nghệ thuật công phu khi đến tay bạn đọc. Thế nên, dẫu chỉ là một tập sách nhỏ, nó vẫn gợi nhớ đến cái chí mà Hồ Anh Thái định hình được cho mình ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, đó là một hình mẫu về một nhà văn hiện đại: chuyên nghiệp, bền bỉ, quyết liệt trong phong cách; tinh tế, lớn lao và đầy tính triết luận sâu sắc trong nội dung; hài hước sáng tạo và sắc sảo trong ngôn ngữ thể hiện.
Các truyện ngắn trong Trượt chân trên tầng cao hầu hết viết theo lối giễu nhại, một điểm mạnh của tác giả, tập trung châm biếm hài hước các khía cạnh hiện thực của đời sống, trải từ thời bao cấp đến đương đại: tình yêu dở khóc dở cười bên chuồng xí công cộng; chuyện ngoại tình ở khu tập thể lắp ghép; chuyện quyền lực công sở; chuyện người Việt công tác và sinh sống ở xứ tư bản; chuyện người Việt sống ở nước mình thời đổi mới; chuyện bạn hay bè; chuyện đời ăn ở bạc; chuyện văn chương thơ phú lộn sòng; chuyện thời Covid; chuyện tai nạn thảm khốc từ tầng cao các chung cư đô thị hiện đạ.
Tất cả như những tấn trò đời lạnh và trơ, diễn mà không diễn nhưng khiến người đọc cười mà phải ngẫm, ngẫm sơ thì trầm ngâm, ngẫm đến nơi đến chốn thì giật mình cay mắt, thấy ông tác giả này “quá ghê gớm”. Truyện ngắn của Hồ Anh Thái vốn vẫn nổi tiếng với độ nén cao, ngôn ngữ sắc bén, tình tiết thông minh và bất ngờ, dụ ngôn đa tầng nghĩa; đằng sau sự “đành hanh” đó luôn ẩn hiện một tấm lòng đau đời trầm lặng và sự minh triết trí tuệ.
Như bìa 4 cuốn sách đã nhận định: “Vẫn là cái nhìn hóm hỉnh của nhà văn vào những vấn đề ngổn ngang trong cuộc sống, nhưng châm biếm giễu cợt không chỉ gây tiếng cười hồn nhiên vô tư, đằng sau tiếng cười có khi là tiếng thở dài và rưng rưng cảm xúc. Một chùm truyện thấp thoáng hình bóng của một đại dịch, nhưng bao trùm toàn bộ tập truyện dường như là những trận dịch sâu bên trong những tâm hồn, những số phận. Như một triển lãm những hí họa và những chân dung, khi gần gũi thông thường, khi lạ lùng độc đáo, tác giả vẽ ra chân dung những công chức, thị dân, văn nghệ sĩ, những người thân thiết và cả những số phận chỉ một lần thoáng qua.”
Thế gian dài hơn bước chân người là tập tiểu luận của Hồ Anh Thái về các hiện tượng đời sống, văn hóa, nghệ thuật đương đại. Dưới ánh nhìn sắc lẹm và tinh quái của nhà văn, có những chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ, có những điều tưởng vu vơ mà nhức nhối dai dẳng. Từ nỗi tự ái của một cụ ông xin visa đi nước ngoài, sự ngô nghệ trong đôi ba cách nói “nguy hiểm” mỗi ngày, cho đến bước đường gập ghềnh của văn chương, điện ảnh nước nhà vươn ra quốc tế, tất cả đều thấm đẫm suy tư, trăn trở của một nhà văn yêu nghề, yêu người.
Đọc tiểu luận của Hồ Anh Thái, tức là đọc ở đó một thái độ, một giọng điệu phê phán. Nhưng phê phán mà không bi quan, phê phán để tiến lên phía trước, phê phán mà vẫn ánh lên nụ cười, có khi hóm hỉnh có khi trào lộng, nhưng bao giờ cũng tươi sáng và bao dung. Tiểu luận của Hồ Anh Thái, vì vậy, luôn mới mẻ, hấp dẫn.