“Tri thức đức tin” là hành trình trải nghiệm của một người trẻ đầy bản lĩnh về vốn sống, văn hóa và niềm tin. Đó là sự ra đi để trở về. Trở về trong tâm tư của tác giả không phải là quay về nơi mình nương náu mà chính là trở về tận thẳm sâu của cõi lòng. Tin – yêu để sống và sống có chất lượng trong các mối tương quan là định hướng xuyên suốt tác phẩm. Niềm tin sẽ hướng dẫn hành động. Như người ta bảo nhau, ‘trên đầu ba tấc có thần linh’ thì nơi khác cũng có sức sống mãnh liệt không kém là ‘trong hồn mình có Đấng Tối Cao’. Đấng quyền năng vô song đó được cảm tác trong hình ảnh của vị vua tình yêu, vị hoàng đế yêu thương dẫn dắt thần dân của một vương quốc mang tên Tình yêu.
Con dân của vương quốc yêu thương không phải góp sưu cao thuế nặng, nhưng có bổn phận phải biết ‘chấp nhận mình’. Chấp nhận hay hài lòng với bản thân ở đây không phải là một sự an nhàn hay an toàn mà là ‘biết mình’ ở đâu trong những mối liên hệ đang vây kín cuộc đời. Giữa trần gian khổ đau không chỗ tựa nương thì hình ảnh và mẫu gương của Chúa Ki-tô như là luồng sáng dẫn đưa con người đến nẻo chính đường ngay. Bởi chính Chúa Giêsu thấu hiểu tâm tư nhân loại hơn ai hết nên Ngài đã từ bỏ ý riêng và nguyện thi hành ý của Đấng Tối Cao. Hành trình của Chúa Giêsu khi xưa đã phác họa cho người viết một lược đồ: thuận lòng bước đi trong gian truân, thiếu thốn và cảm nhận những bi ai của con người từng vùng, miền mà “Kẻ tu đời” đã trải qua.
Vốn sống và kinh nghiệm phong phú của người viết có thể sẽ gặp được sự đồng điệu và đồng cảm của độc giả. Với ý hướng tích cực và hướng thượng, hy vọng mỗi người tìm được động lực để sống niềm tin của mình. Cảm nghiệm và suy tư sâu xa của “Kẻ tu đời” đáng để người đọc suy ngẫm: “Trí khôn con người được giấu trong chính họ, dù con mắt có tinh anh bao nhiêu cũng chỉ hướng ra ngoài.” Do vậy, tri thức đức tin như là hành trình đi vào tâm hồn của mỗi người, và rồi trên mỗi bước đường sẽ gặp được những hoa thơm cỏ lạ của yêu thương trong vương quốc Tình yêu.
Có một câu nói rất hay nó từng được nghe: “Những gì mình chưa từng trải qua thì đừng quá tin tưởng.” Con người chúng ta dễ bắt đầu từ một lựa chọn theo kinh nghiệm cuộc đời người khác, sợ đau khổ người khác đã từng nếm trải phản chiếu lên hết quá trình sống của ta, vô hình trung chúng ta trở thành nạn nhân trong cuộc đời của họ.
Lương tâm là tiếng nói Chúa đã đặt để nơi cõi lòng của mỗi người, giúp nhắc nhở họ làm việc lành, tránh việc dữ!
Nỗi sợ và bất an thường khiến con người dễ bước vào tội lỗi. Có khi, người ta lựa chọn che giấu sự thật về mình chỉ vì sợ người khác không chấp nhận họ, khi một lần nói dối sẽ mất trăm ngàn lần khác để che đậy lời nói dối của mình.
2. Sách Tu Thành - Thành Tu
“Tu Thành – Thành Tu” là những suy tư và cảm nghiệm rất riêng và rất thiêng của Kẻ Tu Đời. Đó là nỗi niềm đau đáu của người tu giữa đời nhưng vẫn vang vọng nỗi khát khao và ước ao cho những ai dấn thân trọn vẹn trong đời tu dòng. Những câu hỏi của chính tác giả cũng là dành cho những ai đang trên hành trình ơn gọi người tu sĩ. “Tôi có phải là ‘người tu’ trong tương quan với Chúa và anh chị em mình? Mong ước đi tu để trở thành ai? Tôi đã thực sự đang trong tiến trình trở thành người tu chưa?”
Tu cho đúng thì đời sẽ đẹp, sẽ thành tựu, sẽ đi đến đích điểm cùng tận của hạnh phúc là được ở với Chúa và các thánh. Còn dừng lại ở ước mong hay cố gắng thành người tu qua dung mạo bên ngoài mà lòng còn đong đầy những khát khao trần thế thì tu chưa thành vậy. Dù là sống trong hoàn cảnh nào, bậc sống nào thì mỗi người và mọi người đều được mời gọi “tu cho thành”; chưa thành thánh được công nhận ngay ở đời này thì những nỗ lực thay đổi bản thân kết hợp với ơn trợ giúp của Chúa cũng là tiền đề để thành thánh thực sự đời sau.
Tu là quá trình sửa, tập tự hủy mình đi như hạt lúa mì đã tự hủy chính mình trong lòng đất, mặc cho cơn mưa trút xuống thân xác đã vỡ vụn đầy thương tích để mầm sống mới được ươm lên.
Bác ái với chính mình là trả cho bản thân một cảm xúc rung động thực sự, trao trả cho người nghèo phẩm giá mà họ đáng được nhận, đừng lấy một thùng mì gói, một cân đường, để đổi chác lấy hình ảnh của họ nhằm tô vẽ màu sắc cho chính mình.
Bác ái của kẻ tu hành có lẽ là với chính mình trước, chẳng gò ép phù hợp tiêu chuẩn theo thời của xã hội, nương lấy dòng nước mát chữa lành trái tim trong thế giới đầy đau thương, chắt lọc giọt nước mưa rơi xuống chậu. Là không có tranh giành, chẳng có hơn thua, chấp nhận thay vì chịu đựng số phận mình. Là tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa hơn là tin vào việc đánh tráo khái niệm của thế gian.