Thế kỷ XVII được xem như một “khoảng trắng” trong lịch sử Việt Nam, khi tình hình chiến sự và chính trị khốc liệt dai dẳng giữa các thế lực đã dẫn đến hiện trạng là ngày nay còn lại rất ít văn bản ghi chép chính thống và phi chính thống của chính người Việt về giai đoạn này.
Tuy vậy, đã xuất hiện một nghịch lý: ở chính thời đoạn nhiễu nhương này, tuy thiếu vắng tài liệu bản địa, song nguồn tài liệu về hai Đàng đến từ thế giới phương Tây lại đặc biệt phong phú. Chưa kể, những tập sách đó, chủ yếu do các thương nhân, nhà truyền giáo, lữ khách và khoa học gia viết nên, đã cung cấp một lượng lớn thông tin chi tiết cùng các góc nhìn đa chiều thú vị.
Trong số các tài liệu này, "Ký sự xứ Đàng Trong" của Cha Christoforo Borri và "Mô tả vương quốc Đàng Ngoài" của thương nhân Samuel Baron là đặc biệt đáng chú ý, với nhiều thông tin và mô tả giúp người đọc hiện đại dựng nên được bức tranh vừa toàn cảnh lại vừa có tính đối sánh về hai Đàng thời bấy giờ.
Nắm bắt được tầm quan trọng của hai cuốn sách trên trong công tác nghiên cứu về Việt Nam thế kỷ XVII, hai nhà Việt Nam học là Olga Dror và K. W. Taylor đã dày công tìm hiểu và có những chú giải kỹ lưỡng, chất lượng, cùng phần giới thiệu hàm súc cho hai tác phẩm trên, giúp độc giả người Việt hiện đại phần nào dễ tiếp cận với bối cảnh lịch sử thời xưa.
Ví dụ như nguồn gốc tên gọi “Cochinchina” và “Tonkin” (cùng nhiều biến thể); bối cảnh tiếp cận Việt Nam của người châu Âu ở thế kỷ XVII; cuộc đời riêng của hai tác giả/nhà du hành Christoforo Borri và Samuel Baron…
Tất cả được gói gọn trong ấn phẩm Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài (Christoforo Borri về Đàng Trong và Samuel Baron về Đàng Ngoài).
Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII là một công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc và có giá trị về cấu trúc gia đình truyền thống Việt Nam trong mối quan hệ giữa gia đình với làng và Nhà nước – pháp luật.
Căn cứ khoa học chủ yếu của tác giả là bộ Quốc triều hình luật hay Bộ Luật Hồng Đức, một bộ luật hoàn chỉnh và còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến nay. Bộ luật được xây dựng trong thời Lê sơ, từ triều vua Lê Thái Tổ đến triều vua Lê Thánh Tông và được thực thi cho đến thế kỷ XVII-XVIII, với một số bổ sung và điều chỉnh nhất định. Tác giả đã xác định một hướng nghiên cứu rất cơ bản và đúng đắn là muốn hiểu bản chất xã hội truyền thống Việt Nam phải bắt đầu từ nghiên cứu cấu trúc gia đình. Tác giả nghiên cứu cấu trúc gia đình trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là giữa cha mẹ và con cái, trong mối quan hệ về sở hữu tài sản và quyền thừa kế. Từ gia đình, tác giả mở rộng nghiên cứu những mối quan hệ phức tạp với làng và Nhà nước để khám phá những đặc điểm của xã hội truyền thống Việt Nam trong mối ảnh hưởng và tác động qua lại giữa Nhà nước, pháp luật, hệ tư tưởng Nho giáo với sức sống bền bỉ của truyền thống gắn liền với phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân. Mối quan hệ nhà-làng-nước đó chính là hệ thống cấu trúc nền tảng của xã hội Việt Nam truyền thống.
Cuốn sách XÃ HỘI VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ XVII do nhóm sưu tầm gồm các ông: Kiều Mai Sơn, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Trung Thành sưu tầm những bản dịch, bài viết của nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Phấn (1910-1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị từ năm 1941đến năm 1945. Nội dung các bài viết mô tả xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII qua sự quan sát, ghi chép của những người phương Tây đến Việt Nam vào thời gian đó.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc trong "Đôi lời về một người ẩn danh" (Thay lời tựa sách) đã viết:
“...Cuốn sách này rất mỏng, lại chỉ là những mẩu tư liệu sưu tầm từ những sách báo của người phương Tây viết về buổi tiếp xúc đầu tiên với đất nước và con người Việt Nam vào thế kỷ XVII. Đó mới chỉ là những bài báo rút ra từ tờ “Thanh Nghị”, sự tập hợp trách nhiệm của những trí thức có tinh thần dân tộc vào thời điểm đang đón chờ cơ hội giành độc lập cho đất nước khi chiến tranh Thế giới lần thứ II tạo ra... Đúng như phụ đề “thu nhặt tài liệu để giúp vào sự giải quyết những vấn đề quan hệ đến cuộc sinh hoạt của dân tộc Việt Nam”, cụ Nguyễn Trọng Phấn và các bạn trí thức “đồng chí” của mình đã làm mọi việc để đặt nền tảng cho một tư duy mới, điều mà ngày nay ta hay dùng, là chuẩn bị tâm thế cho công cuộc hội nhập với thế giới một khi nước nhà giành được độc lập...”.