Tác giả đã trích dẫn rất nhiều đoạn cổ văn từ các nguồn thư tịch gốc. Việc này khiến tác phẩm của Phùng Hữu Lan không những là một sách tham khảo quý báu về các văn bản gốc của triết học Trung Quốc, mà còn tạo sự thuận lợi bởi vì nó để cho các văn bản cổ xưa tự lên tiếng. Đó là một điều rất quan trọng trong một lĩnh vực như triết học Trung Quốc, khi một văn bản thường có nhiều lời bình chú.
Các nhà nghiên cứu lịch sử triết học Tây phương thường phân chia lịch sử triết học Tây phương làm ba thời kỳ: Thượng cổ, trung cổ, và cận đại. Điều ấy chẳng phải là một sự phân biệt tuỳ ý, bởi vì trong lịch sử triết học Tây phương mỗi thời kỳ quả thực đều có tinh thần đặc biệt và diện mục đặc thù của nó. Tương tự, lịch sử triết học Trung Quốc nếu chỉ chú ý về phương diện thời kỳ, thì cũng có thể phân chia làm ba thời kỳ: Thượng cổ, trung cổ, và cận đại. Mỗi thời kỳ đều có một nền triết học riêng, nên cũng có thể lấy “thượng cổ, trung cổ, và cận đại” để đặt tên cho chúng. Những danh xưng này cũng được dùng trong quyển sách này. Nhưng từ một phương diện khác mà nói, Trung Quốc quả thực chỉ có triết học thượng cổ và triết học trung cổ, chứ không có triết học cận đại.