Cách mạng Tháng Tám, rồi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài trên 30 năm, cho đến năm 1975 rồi trước năm 1980, ngót 40 năm; Cả dân tộc và nền văn chương, học thuật dân tộc tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh và theo yêu cầu chiến tranh.
Mọi hoạt động của đời sống, mọi hình dung về tương lai của dân tộc trong thời gian ấy đều được quy định bởi một khuôn hình chung, một mục tiêu chung: “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”. Có Độc lập, Tự do rồi sẽ có tất cả. Không ai không tin tưởng như vậy.
Và quả là chúng ta đã có được cái mà chúng ta mong ước và quyết tâm giành lại. Giành lại bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó có đóng góp của văn chương - nghệ thuật.
Nhưng sau 1975 rồi 1980, khi đất nước ngừng tiếng súng, thì chỉ riêng hạnh phúc hoà bình lại không còn đủ nữa. Một thời kỳ mới của dân tộc ngót một phần ba thế kỷ nữa đã diễn ra trong bối cảnh hoà bình, với mục tiêu là hạnh phúc - tự do cho mỗi cá nhân con người, bởi, nói theo Mác: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người”; cùng với độc lập cho dân tộc, công bằng - văn minh và giàu mạnh của xã hội; bởi nền độc lập của dân tộc và sự giàu mạnh của xã hội lại đứng trước những thử thách mới không kém quyết liệt trong giao lưu và hội nhập với nhân loại.