Triết học tri thức (Bìa Cứng) - Phạm Văn Chung

Liên hệ: 84937481636 để nhận báo giá
Trạng thái: Hết hàng

Tác giả: Phạm Văn Chung

Hình thức bìa: Bìa cứng

Kích thước: 13 x 20.5 cm

Số trang: 518

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Tri thức, 2025

Triết học tri thức (Bìa Cứng) - Phạm Văn Chung

Lời nói đầu

Nhận thức luận là một trong những hướng nghiên cứu chính của tôi và đã được xây dựng thành một chuyên đề giảng dạy nhiều năm với tên gọi “Lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng” và ở đây vấn đề tri thức cũng là một chủ đề quan trọng. Với việc nghiên cứu nhận thức theo quan điểm hoạt động, tri thức được xem là kết quả của quá trình nhận thức. Tuy nhiên, chỉ khi quan tâm nhiều đến sự xuất hiện của các lý thuyết kinh tế tri thức, sự phát triển các khoa học như vật lý lượng tử, tin học và nhất là về cuộc cách mạng công nghệ, nổi bật là công nghệ điện tử-thông tin thì chủ đề tri thức, nhận thức mới được tập trung xem xét, được dành nhiều thời gian, công sức hơn. Sau kết quả nghiên cứu đầu tiên với đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia “Khái niệm và những đặc trưng của tri thức” vào năm 2011, tôi tập trung phát triển kết quả nghiên cứu này với ý định viết một cuốn sách mà lúc đầu tôi định đặt tên là “Học thuyết về tri thức”. Nhưng với hướng nghiên cứu chung là triết học, cho nên cùng với những kết quả tiếp theo, cuối cùng sách được đặt tên là “Triết học tri thức” (The Philosophy of Knowledge). 

Triết học tri thức là kết quả của một hành trình đầy gian nan nhưng cũng có nhiều niềm vui. Khi xác định nhiệm vụ nghiên cứu là xem tri thức như một đối tượng độc lập, nhằm xây dựng một lý thuyết mới, vấn đề đặt ra là làm thể nào có một hiểu biết mới, hơn thế, rất mới về tri thức. Đây là điều thiết yếu và rất quan trọng. Không có cái mới thì làm sao có thể xem là đề tài nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học triết học, do đó làm sao có thể tạo dựng một lý thuyết mới. Nhưng với niềm tin rằng mỗi thời đại có những yêu cầu, vấn đề mới của nó, nhất là khi ngày nay những khoa học, công nghệ rất mới ra đời và phát triển vô cùng mạnh mẽ, đồng thời với khát vọng và ý chí quyết tâm tìm ra những vấn đề mới của triết học nói chung, triết học nhận thức nói riêng, đã dẫn dắt tôi, khiến tôi có nhiều hy vọng rằng mình sẽ tìm được cái mới. Tất nhiên, công việc nghiên cứu đã diễn ra không phải là một con đường thẳng, chỉ có những thuận lợi, mà trái lại có những khó khăn, nhiều lúc hoang mang, nghi ngờ chính những ý tưởng và nhận thức của mình, có lúc muốn bỏ cuộc nhất là khi đứng trước nhiều kết quả nghiên cứu về tri thức rất sâu sắc, nổi tiếng với những nội dung và tiếp cận đa dạng, hơn thế, khi đứng trước các học thuyết, quan điểm mới về tính bất định, bất toàn, về tính phức hợp, trước những khủng hoảng, lỗi thời của các lý thuyết, khoa học cả về tự nhiên và xã hội, lịch sử. 

Tuy nhiên, có một lợi thế quan trọng là sự quan tâm từ lâu của tôi đối với phương pháp triết học là phương pháp tổng hợp. Phương pháp này nuôi dưỡng lòng tin vững chắc của tôi vào tính thống nhất của mọi tồn tại, nhất là của đời sống xã hội, lịch sử con người. Vì thế, trong khó khăn, lo lắng và có lúc có thể nói gần như khủng hoảng, tôi vẫn nghiền ngẫm, suy tư nhằm tìm ra tính thống nhất của đối tượng tri thức trong chính những cái bất định, bất toàn, nhất là tính phức hợp của nó. Một nhiệm vụ tất nhiên đặt ra cho tôi là phải tìm ra, nhất là những hạn chế, khiếm khuyết cơ bản của các quan niệm đã có về tri thức, vì nếu không như thế thì không biết làm thế nào để có cái mới. Thật may mắn, các công trình về tư duy phức hợp của học giả người Pháp Edgar Morin là một tác nhân mạnh mẽ khiến tôi đặt ra nhiệm vụ này. E. Morin cho rằng đứng trước các đối tượng phức hợp thì không tiếp cận hay phương pháp truyền thống nào có thể minh định về chúng bằng các định nghĩa, các khái niệm. Điều này khiến tôi nghĩ rằng như thế là các quan niệm về tri thức cũ đã đi đến giới hạn cuối cùng của chúng cả về nội dung cũng như tiếp cận. Tôi nghi ngờ tất cả những nhận thức, cả những tiếp cận đã có về tri thức, nghi ngờ ngay cả cách đặt và giải quyết vấn đề của E. Morin. Vì thế, kết hợp niềm tin vào tính thống nhất của các đối tượng với việc xem xét đối tượng có đặc tính phức hợp là tri thức, tôi tin rằng tri thức cũng có tính thống nhất chỉnh thể của nó, đồng thời kết hợp hiểu biết phương pháp tổng hợp triết học với phương pháp tư duy phức hợp của E. Morin, cùng với những suy tư cá nhân, cuối cùng phương pháp tổng hợp-phức hợp đã được đề xuất để nghiên cứu tri thức và kết quả nghiên cứu đầu tiên đã đạt được với việc thực hiện đề tài khoa học Khái niệm và những đặc trưng của tri thức. Nhưng ở đây tôi chưa xem tri thức là đối tượng “thống nhất phức hợp”, mà chỉ xem nó là đối tượng có “tính phức hợp”, còn phương pháp thì lúc đó tôi gọi là “phương pháp tổng hợp mới” chứ chưa gọi là “phương pháp tổng hợp-phức hợp” như bây giờ. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của tôi là phải hiểu tri thức, nhất là bản chất của nó một cách mới như thế nào đã được giải tỏa. Tôi đã mạnh dạn nêu định nghĩa khái niệm tri thức như sau: “Tri thức là một dạng tinh thần quy định trực tiếp các thao tác tạo nên hình thái văn hóa”. Dù chỉ là bước đầu, nhưng tinh thần của kết quả nghiên cứu này đã được xác định khá rõ ràng, vững chắc và dựa trên kết quả này tôi tiếp tục nghiên cứu sâu, rộng hơn để đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng đã có thể hình thành một lý thuyết mới là Triết học tri thức.   

Nội dung của Triết học tri thức được hiểu một cách tóm tắt như sau. Một cách chung nhất, Triết học tri thức là việc nêu lên và giải quyết những vấn đề, hệ vấn đề của chính nó. Trong những vấn đề được nêu lên, vấn đề quan trọng bao quát nhất đó là gắn nghiên cứu tri thức với triết học con người. Đây là vấn đề hướng định toàn bộ quá trình nghiên cứu. Từ đó, với việc xác định tri thức là một đối tượng có đặc tính cơ bản là tính thống nhất phức hợp, phương pháp nghiên cứu cơ bản - phương pháp tổng hợp-phức hợp đã được xây dựng và mục đích nghiên cứu chủ yếu cũng được xác định là vạch ra bản chất, tính tất yếu, nội dung bên trong và tính chỉnh thể của tri thức và biểu hiện nó trong hình thức lý luận. Tất nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất là xác định bản chất tri thức, là nêu một định nghĩa khái niệm tri thức theo một cách mới và điều này phụ thuộc vào việc xác định rõ nội dung phương pháp. Vì vậy, thực chất của khó khăn trên nằm ở việc xác định nội dung cơ bản hay bản chất của phương pháp nghiên cứu cơ bản. Vấn đề đặt ra là làm thế nào xác định được nguyên tắc hay quan điểm xuất phát của phương pháp tổng hợp-phức hợp khác với phương pháp tổng hợp truyền thống và phù hợp với đối tượng nghiên cứu mới. Vậy là từ những phác thảo ban đầu về nội dung phương pháp này, đến nay nội dung cơ bản của phương pháp nghiên cứu cơ bản đã được xác định là một nguyên tắc lớn bao gồm các nguyên tắc cấu thành là tinh thần – hoạt động – văn hóa. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa phương pháp tổng hợp mới, phương pháp tổng hợp-phức hợp và phương pháp tổng hợp truyền thống. Dựa trên nguyên tắc này bản chất của tri thức đã được vạch ra về cơ bản theo tinh thần của khái niệm tri thức đã được nêu lên cách đây hơn 10 năm: Tri thức là cái tinh thần quy định trực tiếp các thao tác tạo nên hình thái văn hóa. Nhưng lần này nội dung khái niệm được giải thích và làm rõ hơn dựa trên việc xác định rõ đối tượng, nội dung phương pháp cơ bản, nhất là nguyên tắc cơ bản của nó. Nguyên tắc cơ bản thể hiện rõ ràng qua thể hiện nội dung khái niệm tri thức, mà điểm nổi bật nhất là bản chất tri thức được xác định dựa trên nguyên tắc có tính bao quát-định hướng, đó là văn hóa: có vô số những tồn tại, hình thức tồn tại, biểu hiện khác nhau của tri thức, nhưng rốt cùng, tồn tại và giá trị thực của nó là ở chỗ tạo nên những hình thái văn hóa, nhất là hình thái văn hóa tổng thể (toàn vẹn). Vì hình thái văn hóa, nhất là hình thái văn hóa tổng thể là đặc trưng cơ bản của tồn tại con người. Cho nên, nếu không tạo nên hình thái văn hóa, không tạo nên chính con người, thì tri thức đâu còn là tri thức của con người, đâu có được giá trị thực sự. Vì thế, có thể nói định nghĩa tri thức cũng là định nghĩa chính con người. Không những thế, trên cơ sở khái niệm tri thức, nhiều nội dung của tri thức được xem xét sâu sắc, toàn diện hơn, trong đó nội dung nổi bật là quan niệm về chân lý và sự thật, ở đây khái niệm chân lý được hiểu một cách mới dựa trên khái niệm tri thức. Như thế, từ hệ vấn đề được nêu lên, đặc trưng mới của đối tượng tri thức được xác định, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu cơ bản được tạo dựng và bản chất tri thức được vạch ra, cùng những khía cạnh mới về nội dung, vai trò của tri thức được xem xét, toàn bộ nội dung triết học tri thức đã được tạo lập về cơ bản. 

Triết học tri thức có những điểm khác, mới so với những kết quả của các nhà nghiên cứu khác về tri thức mà tác giả được biết, có thể nêu và nhấn mạnh ba điểm nổi bật mang tính bao quát sau đây. Thứ nhất là việc xây dựng phương pháp nghiên cứu cơ bản mới là phương pháp tổng hợp-phức hợp với nội dung cơ bản là xác lập một nguyên tắc lớn cơ bản được cấu thành bởi ba nguyên tắc là tinh thần – hoạt động – văn hóa. Đây là điểm mới cơ bản. Thứ hai, với phương pháp này, nhất là nguyên tắc cơ bản của nó, khái niệm tri thức đã được xây dựng với nội dung mới như đã trình bày ở mục tóm tắt nội dung ở trên. Thứ ba, điểm mới bao quát tất cả là việc tạo dựng một học thuyết mới mang tên Triết học tri thức. Việc xác định bản chất tri thức hay định nghĩa khái niệm tri thức với nội dung mới theo phương pháp tổng hợp-phức hợp là trọng tâm của học thuyết. Nó quy định các nội dung khác không chỉ ở việc luận giải nội dung, tạo nên những kết cấu, hình thức, mà còn cả việc vạch ra những khía cạnh mới của chúng. 

Trong các ý nghĩa hay giá trị của triết học tri thức, có thể khẳng định một ý nghĩa tổng quát là triết học tri thức đem lại một cách hiểu mới về tri thức, nhất là về bản chất của nó. Vì thế, triết học tri thức cung cấp một cách hiểu chung, cũng có thể xem là phương pháp luận chung cho việc xem xét các lĩnh vực tri thức cụ thể. Khi tri thức nói chung về bản chất được hiểu là cái tinh thần quy định trực tiếp các thao tác tạo nên những hình thái văn hóa, nhất là hình thái văn hóa tổng thể, thì mọi tri thức cụ thể chỉ có nội dung và giá trị thực sự khi nó tạo nên những hình thái văn hóa cụ thể với tư cách là những cấu thành hữu cơ của hình thái văn hóa tổng thể và bằng cách đó, nó khẳng định tri thức con người, khẳng định sự tồn tại, giá trị con người. Tri thức con người được sinh ra chẳng phải là để làm điều này sao? 

Như vậy là sau hơn 10 năm nghiên cứu với nhiều khó khăn, thách thức, cuối cùng thì nhiệm vụ đã hoàn thành, cuốn sách Triết học tri thức đã được xuất bản, ra mắt bạn đọc. Hy vọng rằng những giới thiệu tóm tắt về quá trình nghiên cứu của tác giả, về việc hiểu cơ bản nội dung học thuyết-triết học tri thức và khẳng định cái mới, ý nghĩa, giá trị có thể của nó, phần nào giúp bạn đọc có thể tiếp tục đi sâu tìm hiểu nội dung sách. Tuy nhiên, có lẽ sách khó tránh được những hạn chế, khiếm khuyết nhất định, mong rằng sau đây tác giả sẽ nhận được những góp ý, phê bình thẳng thắn, chân thành từ bạn đọc để sách có thể hoàn chỉnh hơn trong các lần xuất bản sau. Mặc dù vậy, tôi hy vọng với những tìm tòi riêng, rất tâm huyết và cầu thị, có những điểm khác, mới, cuốn sách sẽ mang lại những điều có ích, thiết thực và thú vị cho bạn đọc nhất là khi bạn đang quan tâm, tìm hiểu xem tri thức đã và đang tham dự vào cuộc sống của mình như thế nào. Tôi cũng mong rằng cuốn sách sẽ trở thành một đồ vật cần thiết trong hành trang tri thức của nhiều người, nhất là các bạn trẻ, các sinh viên.

Hoàn thành cuốn sách này trước hết xin trân trọng cảm ơn Khoa Triết học, Trường Đại học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho tôi có cơ hội thực hiện một phần hay bước đầu chủ đề nghiên cứu này thông qua thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia. Xin được cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức đã đồng hành. Đặc biệt, cảm ơn thật nhiều các bạn Trương Huyền Chi, Lê Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Phương, Phạm Đình Lợi đã có sự giúp đỡ rất thiết thực để sách sớm được ra mắt bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn những người thân, bạn bè đã nhiệt tình giúp đỡ, động viên tác giả trong quá trình nghiên cứu từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thành tác phẩm này.   

Hà Nội, tháng 3 năm 2025

Phạm Văn Chung

 

zalo