Cuốn sách là công trình biên khảo bằng tiếng Pháp của Marcel Gaultier được xuất bản lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1933.
Marcel Gaultier (1900-1960) là nhà văn đồng thời là biên tập viên cho Ban Dân sự của Đông Dương. Ông để lại cho đời hơn mười tác phẩm, trong đó có ba tiểu thuyết, còn lại là hồi ký và những nghiên cứu sử học về các vị vua triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng và Hàm Nghi. Trong số đó, Gia-Long (Vua Gia Long, 1933) là tác phẩm đầu tay về nghiên cứu sử học với đề tựa của Pierre Pasquier, Toàn quyền Đông Dương.
Đây là công trình viết về Gia Long – Nguyễn Ánh, vị vua đầu tiên cũng là người mở ra vương triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, cũng đồng thời là một nhân vật tạo nên nhiều tranh luận, đánh giá.
Trong tác phẩm nghiên cứu đầu tay Gia-Long, Marcel Gaultier mong muốn trình bày toàn cảnh lịch sử Việt Nam từ thời lập quốc mãi cho đến năm 1802 – thời điểm Việt Nam được thống nhất sau bao nhiêu năm chia rẽ, chiến tranh, sau đó là giai đoạn xây dựng và hàn gắn đất nước trong truyền thống Á châu, khép lại với những quan hệ phương Tây vốn đã hình thành từ nhiều năm trước đó.
Tác phẩm cho chúng ta những thông tin về những sự kiện lịch sử trong nước và nhất là ngoài nước vào những thế kỷ XVII, XVIII hoặc XIX. Độc giả trong nước hiểu được cái nhìn từ bên ngoài về tình hình Việt Nam, những nỗ lực tiếp cận và những nhận định không hẳn chính xác nhưng đã góp phần làm nền tảng tư tưởng cho những cuộc can thiệp về sau của phương Tây trên nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
| TRÍCH ĐOẠN HAY |
“Vào năm 1802, sau khi giành lại Huế1, mở ra triều đại Gia Long, vị vua họ Nguyễn này mới có thể đo đếm đoạn đường đã qua, kể từ lúc cuộc nổi dậy của Tây Sơn khiến ông trở thành một ông hoàng đào tị lang thang đây đó sau những trận chiến trong vùng châu thổ Nam bộ. Hai mươi lăm năm thử thách đã trui rèn nên tâm hồn quả cảm. Tuổi trẻ sớm chín muồi trong bất hạnh, đã nếm qua mọi gian truân, đã từng biết mọi thứ ruồng rẫy. Giờ đây dòng họ, đã được khôi phục trên ngai vàng, được củng cố trong toàn bộ quyền hạn lịch sử, và rồi chỉ sau một trận chiến chóng vánh ở Bắc kỳ, cả ba kỳ cùng nói tiếng An Nam được thống nhất dưới cùng một pháp chế. Nhưng còn cần phải xây dựng lại. Là chiến binh, Gia Long đã từng biết chiến thắng; là hoàng đế, ông còn biết xây dựng. Nhiệm vụ thì bao la, nhưng không hề quá nặng với đôi vai mình, và ông sẽ tự chứng tỏ sự vĩ đại trong những công trình của thời bình như đã từng chứng tỏ trong thời chiến tranh.”