"Mặt khác, giáo dục nhân tạo là nhồi nhét vào đầu đủ thứ ý tưởng, bắt nguồn từ việc nghe người khác nói, từ việc học và đọc, trước khi người ta trải nghiệm được thế giới trí thức sâu rộng bằng mắt thấy tai nghe. Những quan sát mà sinh ra ý tưởng chủ yếu tới từ kinh nghiệm; nhưng trước khi trải nghiệm thì những ý tưởng ấy đã được áp dụng sai, và cứ như thế kể cả con người đều sẽ bị phán xét sai, bị nhìn sai và đối xử sai. Cứ như vậy, giáo dục làm tâm trí biến thái; đó là lý do tại sao sau một thời gian dài học và đọc, chúng ta bước vào một thế giới, khi còn trẻ, với những quan điểm nửa phần sai lạc nửa phần sơ sài; chúng ta tự khiến bản thân mình đong đưa lúc thì lo lắng, lúc khác thì đầy tính giả định. Đó là vì đầu óc ta tràn ngập ý tưởng mà ta cố gắng vận dụng, nhưng đều làm sai chỗ." ...
"Như tôi đã nói, cái chính trong giáo dục là kiến thức của một người phải có mục đích đúng đắn; và có thể nói mục tiêu của mọi nền giáo dục là đạt được nó. Nhưng tôi cũng đã chỉ ra rằng điều này phụ thuộc vào việc quan sát từng sự vật trước khi hình thành ý tưởng; xa hơn nữa là những ý tưởng nhỏ này sẽ được mở rộng hơn; và khi hướng dẫn thì chỉ cần bám theo cái quá trình hình thành ý tưởng là được. Nhưng trật tự này không được tuân thủ nghiêm ngặt, khiến những ý tưởng không trọn vẹn và cả sai lầm nảy sinh; kết quả cuối cùng là một nhân sinh quan biến thái tương tự như bản chất của cá nhân ấy – loại nhân sinh quan mà đa số người đều có suốt một thời gian dài, thậm chí đến cuối đời. Nếu như một người tự phân tích nhân cách của mình, anh ta sẽ thấy rằng phải đến khá muộn anh ta mới chợt nhận ra rất nhiều vấn đề khá là đơn giản."
Mở đầu cuốn sách sẽ là một câu nói thế này: “Rao giảng Đạo đức thì dễ, để tìm thì mới khó”. (Moral predigen ist leicht, Moral begründen schwer – SCHOPENHAUER, trích từ tác phẩm Ueber den Willen in der Natur; tr. 128)
Cuốn sách này dù cho không phải tác phẩm được biết đến nhiều nhất của A.Schopenhauer, nhưng nếu ta tìm hiểu về câu chuyện đằng sau tác phẩm thì ta có thể thấy rằng “Bàn về Nền tảng đạo đức” là tác phẩm mà ông đeo đuổi cho đến cuối đời.
Năm 1837, Học viện Khoa học Hoàng gia Đan Mạch tổ chức một cuộc thi luận bàn về triết học đạo đức, A.Schopenhauer đã gửi đến Copenhagen bản thảo sơ khai của “Bàn về Nền tảng đạo đức” (nguyên văn tiếng Đức: Ueber die Grundlage der Moral). Tác phẩm đã không đạt giải dù không có ứng cử viên nào tham gia khi ấy. Sau đó, ông đã chỉnh sửa bản thảo và bổ sung một bài luận sâu cay và thú vị. Đến cuối đời, ngay trước khi mất, ông lại tiếp tục sửa luận thuyết về đạo đức này của mình, và đó là những chữ cuối cùng trước khi qua đời của ông.
Bản luận thuyết này trả lời cho vấn đề mà học viện đặt ra, đó là: “Liệu nguồn gốc và nền tảng của Quy tắc đạo đức có được tìm kiếm trong một ý tưởng về đạo đức nằm ngay trong ý thức (hay lương tâm), và trong việc phân tích các quan niệm luân lý chủ đạo khác phát sinh từ đó không? Hay là nó được tìm thấy trong một số nguồn kiến thức khác?”
Schopenhauer đã bác bỏ nền tảng đạo đức siêu hình của Kant và rất gay gắt khi nhắc tới Hegel hay Fichte cũng như các dạng phái sinh quan điểm của Kant. Với Schopenhauer, nền tảng của đạo đức là “lòng trắc ẩn”, và ông đã chỉ ra các động cơ trái đạo đức cơ bản trong bản chất con người là “Tính vị kỷ” và “Ác ý”.
Schopenhauer đã kết luận, mọi hành động của con người đều xuất phát từ 3 nguồn gốc chính là Vị kỷ, Ác ý và Lòng trắc ẩn; hoặc là Vị kỷ và Lòng trắc ẩn; hoặc là Vị kỷ và Ác ý.
Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết là một tập của bộ sách Thế giới như là ý chí và biểu tượng, được xem là một kiệt tác triết học của Arthur Schopenhauer. Tác phẩm đưa ra quan điểm của Schopenhauer về hai vấn đề quan trọng nhất của con người: tình yêu và cái chết.
Ông đặt ra để rồi trả lời, theo cách riêng của mình, những câu hỏi muôn đời ai cũng thắc mắc: điều gì khiến tình yêu tồn tại, sự mê đắm một nhan sắc là sao, khoái lạc ám ảnh gì đến con người, khao khát sống nhưng sao cũng có khi muốn kết thúc nó tức thì, cố gắng chiếm hữu làm gì giữa cuộc đời ngắn ngủi quá chừng…?
Thú vị bởi lẽ đề cập đến những vấn đề kinh điển, thu hút bởi một lối văn chương triết học cuốn hút, Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết mang một nỗi bi quan chân thực về kiếp sống con người.
“Đánh giá các quan điểm siêu hình của Schopenhauer, các triết gia đương đại cho rằng ở Schopenhauer có những nhận định giống các nhà duy tâm như Selinh hay Phichtơ. Ông cũng tìm cách khám phá bí mật của thế giới trong bản thân cái tôi, giống như Phichtơ nói bản chất của cái tôi là ý chí và sẽ nhìn thấy ở giới tự nhiên và tinh thần một sức mạnh vô thức, có khả năng kiến tạo và thúc đẩy. Nhưng cái khác ở Schopenhauer là ở chỗ: trong khi đối với các nhà duy tâm thì cái cuối cùng và tuyệt đối là tinh thần, ý niệm, lý trí phát triển trong một quá trình vận động hướng đích, thì đối với Schopenhauer lại là một ý chí mù lòa, một cội nguồn thế giới phi lý tính và ngược lại với lý trí. Đối với ông, thế giới không phải là lôgic hay phi lôgic, mà là phản lôgic, lý trí là công cụ của ý chí phi lý tính. Chính ở điểm này Schopenhauer đã phá vỡ mạch tư duy xưa nay về sự hài hòa của một thế giới chỉnh thể. Và, ông đã thực sự là người thực hiện bước quá độ từ chủ nghĩa lạc quan sang chủ nghĩa bi quan. Công lao mãi mãi của ông đối với giới triết học là ở chỗ: chính ông đã hướng triết học vào chiều sâu thăm thẳm nằm phía dưới tầng ý thức của con người, và với châu Âu, ông là người đã mở đường cho triết học và tâm lý học vô thức ra đời và phát triển.” - Quang Chiến, Viện Triết học
4. Thế Giới Như Là Ý Chí Và Ý Niệm
Thật khó để có thể xếp loại tư tưởng Schopenhauer vào một trường phái triết học nào, dầu rằng nhiều thế hệ sau cho rằng ông là một nhà triết học duy tâm hay một số học giả coi các công trình triết học của ông là ví dụ điển hình của chủ nghĩa bi quan triết học. Sinh năm 1788, hành trình triết học của Schopenhauer được hình thành giữa các dòng chảy trí tuệ của châu Âu đầu thế kỷ 19, thời kỳ được đánh dấu bởi sự thống trị của Chủ nghĩa Ý niệm Đức (hay vẫn được dịch là chủ nghĩa Duy tâm Đức), đặc biệt là các triết học của Hegel và Kant. Các tác phẩm của ông là sự đáp lại các xu hướng duy lý và duy tâm đang thịnh hành, kết hợp ảnh hưởng đáng kể từ triết học phương Đông, một điều hiếm thấy trong tư tưởng phương Tây vào thời điểm đó.Schopenhauer đã viết THẾ GIỚI NHƯ LÀ Ý CHÍ VÀ Ý NIỆM như một câu trả lời cho những gì ông cho là hạn chế của triết học Kant. Kant đã lập luận rằng thế giới mà chúng ta biết phần lớn được định hình bởi nhận thức của chúng ta. Schopenhauer đã phản biện lại điều này, đưa ra khái niệm về thế giới được điều khiển bởi một lực cơ bản, phi lý: Ý chí. Khái niệm này biểu thị một sự thoát ly khởi đầu triệt để khỏi các mô hình triết học đương thời, tập trung vào các lực phi lý cơ bản thúc đẩy sự tồn tại, thay vì các cấu trúc hợp lý. Tác phẩm được cấu trúc để đặt ra một nền tảng triết học toàn diện, không chỉ đề cập đến siêu hình học mà còn cả thẩm mỹ, đạo đức và tâm lý học. Cuộc khám phá của Schopenhauer về sự đau khổ, ham muốn của con người và sự phấn đấu không ngừng sẵn có trong cuộc sống đã gây được tiếng vang với nhiều người, đưa ra một cách mới để hiểu về thân phận con người.Tác phẩm được viết trong thời kỳ có nhiều thử thách cá nhân và nghề nghiệp đối với Schopenhauer. Được xuất bản lần đầu vào năm 1818, sự đón nhận của nó khá thờ ơ, bị lu mờ bởi những triết lý thống trị của Hegel và những người đương thời khác. Tuy nhiên, Schopenhauer không nản lòng vẫn tiếp tục hoàn thiện ý tưởng của mình và với việc xuất bản phiên bản mở rộng vào năm 1844, tác phẩm của ông dần dần được công nhận.THẾ GIỚI NHƯ LÀ Ý CHÍ VÀ Ý NIỆM phản ánh nỗ lực tìm hiểu thế giới và vị trí của Schopenhauer trong đó. Tác phẩm thách thức người đọc nhìn xa hơn bề mặt của thực tế và xem xét những động lực sâu xa làm nền tảng cho sự tồn tại của chúng ta. THẾ GIỚI NHƯ LÀ Ý CHÍ VÀ Ý NIỆM đánh dấu một bước khởi đầu đáng kể so với tư tưởng triết học truyền thống của phương Tây thế kỷ 19, khiến nó trở thành một trước tác mang tính đột phá và vượt thời gian.