Mở đầu cuốn sách sẽ là một câu nói thế này: “Rao giảng Đạo đức thì dễ, để tìm thì mới khó”. (Moral predigen ist leicht, Moral begründen schwer – SCHOPENHAUER, trích từ tác phẩm Ueber den Willen in der Natur; tr. 128)
Cuốn sách này dù cho không phải tác phẩm được biết đến nhiều nhất của A.Schopenhauer, nhưng nếu ta tìm hiểu về câu chuyện đằng sau tác phẩm thì ta có thể thấy rằng “Bàn về Nền tảng đạo đức” là tác phẩm mà ông đeo đuổi cho đến cuối đời.
Năm 1837, Học viện Khoa học Hoàng gia Đan Mạch tổ chức một cuộc thi luận bàn về triết học đạo đức, A.Schopenhauer đã gửi đến Copenhagen bản thảo sơ khai của “Bàn về Nền tảng đạo đức” (nguyên văn tiếng Đức: Ueber die Grundlage der Moral). Tác phẩm đã không đạt giải dù không có ứng cử viên nào tham gia khi ấy. Sau đó, ông đã chỉnh sửa bản thảo và bổ sung một bài luận sâu cay và thú vị. Đến cuối đời, ngay trước khi mất, ông lại tiếp tục sửa luận thuyết về đạo đức này của mình, và đó là những chữ cuối cùng trước khi qua đời của ông.
Bản luận thuyết này trả lời cho vấn đề mà học viện đặt ra, đó là: “Liệu nguồn gốc và nền tảng của Quy tắc đạo đức có được tìm kiếm trong một ý tưởng về đạo đức nằm ngay trong ý thức (hay lương tâm), và trong việc phân tích các quan niệm luân lý chủ đạo khác phát sinh từ đó không? Hay là nó được tìm thấy trong một số nguồn kiến thức khác?”
Schopenhauer đã bác bỏ nền tảng đạo đức siêu hình của Kant và rất gay gắt khi nhắc tới Hegel hay Fichte cũng như các dạng phái sinh quan điểm của Kant. Với Schopenhauer, nền tảng của đạo đức là “lòng trắc ẩn”, và ông đã chỉ ra các động cơ trái đạo đức cơ bản trong bản chất con người là “Tính vị kỷ” và “Ác ý”.
Schopenhauer đã kết luận, mọi hành động của con người đều xuất phát từ 3 nguồn gốc chính là Vị kỷ, Ác ý và Lòng trắc ẩn; hoặc là Vị kỷ và Lòng trắc ẩn; hoặc là Vị kỷ và Ác ý.
"Mặt khác, giáo dục nhân tạo là nhồi nhét vào đầu đủ thứ ý tưởng, bắt nguồn từ việc nghe người khác nói, từ việc học và đọc, trước khi người ta trải nghiệm được thế giới trí thức sâu rộng bằng mắt thấy tai nghe. Những quan sát mà sinh ra ý tưởng chủ yếu tới từ kinh nghiệm; nhưng trước khi trải nghiệm thì những ý tưởng ấy đã được áp dụng sai, và cứ như thế kể cả con người đều sẽ bị phán xét sai, bị nhìn sai và đối xử sai. Cứ như vậy, giáo dục làm tâm trí biến thái; đó là lý do tại sao sau một thời gian dài học và đọc, chúng ta bước vào một thế giới, khi còn trẻ, với những quan điểm nửa phần sai lạc nửa phần sơ sài; chúng ta tự khiến bản thân mình đong đưa lúc thì lo lắng, lúc khác thì đầy tính giả định. Đó là vì đầu óc ta tràn ngập ý tưởng mà ta cố gắng vận dụng, nhưng đều làm sai chỗ." ...
"Như tôi đã nói, cái chính trong giáo dục là kiến thức của một người phải có mục đích đúng đắn; và có thể nói mục tiêu của mọi nền giáo dục là đạt được nó. Nhưng tôi cũng đã chỉ ra rằng điều này phụ thuộc vào việc quan sát từng sự vật trước khi hình thành ý tưởng; xa hơn nữa là những ý tưởng nhỏ này sẽ được mở rộng hơn; và khi hướng dẫn thì chỉ cần bám theo cái quá trình hình thành ý tưởng là được. Nhưng trật tự này không được tuân thủ nghiêm ngặt, khiến những ý tưởng không trọn vẹn và cả sai lầm nảy sinh; kết quả cuối cùng là một nhân sinh quan biến thái tương tự như bản chất của cá nhân ấy – loại nhân sinh quan mà đa số người đều có suốt một thời gian dài, thậm chí đến cuối đời. Nếu như một người tự phân tích nhân cách của mình, anh ta sẽ thấy rằng phải đến khá muộn anh ta mới chợt nhận ra rất nhiều vấn đề khá là đơn giản."
Đâu là Đông? Đâu là Tây? Thực ra, chỉ khi chúng ta dính chặt nơi mặt đất mới “thấy” có Đông – Tây, còn khi vươn mình lên vũ trụ bao la thì Đông Tây Nam Bắc chỉ còn là những quy ước trong nhận thức. Chúng ta chia ra triết Đông – triết Tây như là một phương tiện để quy ước phương pháp tiếp cận bản thể, vì vậy, muốn vươn mình vào chân lý, ta tất yếu không thể dính chặt vào quy ước triết Đông – triết Tây. Đó, phải được xem là điều tiên quyết khi tìm hiểu tư tưởng Schopenhauer (Đức, 1788 – 1860). Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam, chúng ta thỉnh thoảng được biết đến triết học Schopenhauer qua những dịch phẩm gián tiếp như: giới thiệu, dẫn luận, trích..., nhưng chừng đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của những người nhiệt tâm tìm hiểu tư tưởng của ông. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi cũng cố gắng phiên dịch tác phẩm tiêu biểu cho tư tưởng của ông là Thế giới như là Ý chí và Biểu tượng, nhằm giới thiệu đến quý độc giả để cùng nhau trao đổi, hiểu thêm và hiểu đúng hơn triết học Schopenhauer.
..................
Thế giới như biểu tượng – đó là thế giới phenomenon, thế giới như “vật cho ta”, cái thế giới hiện ra cho ta một cách hư ảo, biến hóa (hiện hữu dối lừa), hiện ra cho nhận thức duy lý; thế giới ấy là đối tượng của khoa học.
Thế giới như ý chí – đó là thế giới noumenon, thế giới như “vật tự nó”, thế giới như nó tồn tại trong thực tế; thế giới ấy là đối tượng của siêu hình học.
Ý chí là gì? - Ý chí là xung lực bản năng, bản chất và hạt nhân của sự vật. Vũ trụ là một ý chí tự phát, còn ý thức con người là sự thể hiện ý chí ở hình thức cao nhất, nghĩa là sự thể hiện một cách tự giác. Ý chí có khắp vũ trụ, giới tự nhiên, con người. Nếu F. Hegel khách thể hóa lý trí, ý niệm thì Schopenhauer khách thể hóa ý chí. Nói khác đi, tôi tồn tại như một ý chí. Nếu tìm hiểu trực tiếp bản thân con người, thì có thể phát hiện cái căn bản nhất ở con người là ý chí (ham muốn, dục vọng). Ý chí luôn là ý chí hướng đến đối tượng. Ý chí, do đó, là một thực tại của con người trong quan hệ với thế giới, nói cách khác, ý chí là một đại diện chân chính của con người trên bước đường khẳng định cái Tôi của mình.
Tóm lại, thế giới là tấm gương phản ánh ý chí con người. Ý chí mang tính phổ biến, đạt đến ý chí vũ trụ. Ý chí lớn nhất, bao trùm nhất, cuồng nhiệt nhất là ý chí sinh tồn, ý chí sự sống. Nó thể hiện muôn màu muôn vẻ trong thế giới, làm nên dòng xung động mãnh liệt, không ngừng nghỉ, nảy nở, sinh sôi. Đó là thế giới “vật tự nó” rất vô thức, mù quáng, nhưng không thể ngăn nổi. Ý chí của tôi – đó là ý chí diễn ra qua ý thức; ý chí vũ trụ - đó là ý chí vô thức, mù quáng. Giữa hai loại đó có một điểm tương đồng cơ bản: ý chí sinh tồn.
Tôi cảm giác về thế giới như sự ham thích tự do; thế giới sáng tạo không phục tùng một tính quy luật nào, không dựa vào lý trí để nhận thức. Ý chí, như chính tồn tại, nằm bên ngoài tính tất yếu, tính quy luật, cơ chê vận hành. Ý chí luôn tự do.
Khoa học xem “vật cho ta” là đối tượng, còn “vật tự nó” là vương quốc của ý chí.
F. Nietzsche (1844 – 1900) đã khai triển ý chí sinh tồn của Schopenhauer thành ý chí quyền lực.