Nghiên cứu tư tưởng Nho giáo nói chung, tư tưởng về đức của nó nói riêng đã trở thành mối quan tâm sâu sắc của tôi từ hơn 10 năm nay, nhất là khi các vấn đề đạo đức học được đặt ra đối với tôi như một hướng nghiên cứu mới và quan trọng. Lâu nay, tôi đặt ra nhiệm vụ cho mình là thực hiện một chuyên khảo về Nho giáo với nội dung toàn diện, trong đó tập trung vào hai nội dung là tư tưởng Nho giáo cơ bản và quan niệm của nó về đức. Nhưng hiện giờ, nhận thấy nghiên cứu xây dựng một quan niệm mới về đức hoặc đạo đức là việc cấp thiết hơn, nên tôi đã tách riêng ra, tập trung trước hết vào nghiên cứu nhằm hoàn thành phần quan niệm Nho giáo về đức, còn phần tư tưởng Nho giáo cơ bản có thể sẽ thực hiện một chuyên khảo riêng sau này.
Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo là ba dòng phái tinh thần-tư tưởng rất lớn, mà cội nguồn sâu xa của chúng gắn chặt với những cái tên đã rất quen thuộc là Phật, Khổng, Lão, không ngừng chảy một cách âm ỉ, nhiều khi bùng lên rất mãnh liệt trong văn hóa phương Đông. Những dòng chảy ấy có khi tách riêng ra, nhưng nói chung thường kết hợp, quyện hòa vào nhau rất chặt chẽ, đã và đang ảnh hưởng sâu sắc, rộng lớn đến đời sống con người phương Đông và có thể cả những khu vực khác của thế giới, cả về tinh thần và hiện thực. Bởi vậy, ở Việt Nam ta thường nghe cụm từ “tam giáo đồng nguyên” nói về mối liên hệ chặt chẽ của ba dòng chảy tinh thần-tư tưởng này. Quả thực, khó có thể nói đến văn hóa phương Đông, đến sự hiểu biết và cả sự trải nghiệm nó mà lại thiếu đi một trong ba di sản đặc trưng lớn lao này. Tuy vậy, vào thời điểm hiện nay, thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, rất cần phải thấy rằng những ảnh hưởng của các dòng phái tinh thần-tư tưởng nói trên phần lớn vẫn mang tính tự phát, ở chỗ nói chung người ta chưa thật hiểu, do đó chưa thật sự làm chủ những di sản ấy, trái lại nhiều khi còn hiểu chúng theo tính chất rất bề ngoài, mơ hồ, thậm chí lệch lạc, tuyệt đối hóa, bị những hạn chế, những mặt tiêu cực của chúng chi phối, dẫn đến những vận dụng và ứng xử tiêu cực, thái quá trong đời sống. Điều này làm cho những bộ phận không nhỏ người phương Đông, trong đó có Việt Nam, khó có thể nhìn ra và phát huy những giá trị văn hóa thực sự của mình, đồng thời khó có thể nói đến việc học hỏi một cách nghiêm túc những nền văn hóa khác để bổ sung, phát triển hơn. Song, đặt thực trạng với nguyên nhân là những hiểu biết nói trên vào chính bối cảnh ngày nay, khiến chúng ta thấy, một mặt rất khó có thể trách cứ lịch sử, mặt khác dường như đang có cơ hội để thực sự hiểu đúng những di sản văn hóa lớn lao. Do đó, nhiều năm nay, tôi đã quan tâm nghiên cứu các di sản văn hóa lớn lao này, đặc biệt tập trung nghiên cứu Đạo gia, Nho gia và xin được trình bày trước hết kết quả nghiên cứu tư tưởng Lão Tử.