Công dân giáo dục - Tự do, quyền và nghĩa vụ công dân đầu thế kỷ XX (Hoàng Đạo, Nguyễn Hữu Sơn)
Khái niệm “công dân” là “một lý tưởng mới”, “có sức mạnh vô cùng”, được tạo lập trên nền tảng tư tưởng tự do, bình đẳng, nhân đạo, công lý… vốn khác hẳn với quan điểm “thần dân” trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam, nơi mà quyền lực đều nằm trong tay vua, quan. Đó là quan điểm xuyên suốt của Hoàng đạo qua chuyên đề “Công dân giáo dục” kéo dài nửa năm trên báo Ngày nay vào năm 1939. Chuyên đề mở đầu với bài khái lược “Mấy lời nói đầu” và kết thúc với bài số 16, “Nghĩa vụ công dân” tổng kết vấn đề.
Hoàng Đạo phân chia và xác định dấu mốc thời hiện đại bởi khả năng chuyển hóa thân phận con người “thần dân” tới giá trị “công dân”… Trong khi nhấn mạnh những quyền và “quyền hạn bất diệt” của con người, thì đồng thời Hoàng Đạo cũng chú ý tới mối quan hệ biện chứng tất yếu “nghĩa vụ của công dân là kết quả dĩ nhiên của quyền hạn của họ” và khẳng định: “Có quyền hạn mới có nghĩa vụ, có nghĩa vụ ắt phải có quyền hạn”, “đối với chính mình, công dân cũng có bổn phận”…
Hoàng Đạo đã chứng minh tầm vóc của mình là một nhà tư tưởng lỗi lạc với những bài viết đầy tính thời sự, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Công dân giáo dục không chỉ là những trang viết chia sẻ về lịch sử, xã hội Việt Nam, mà còn giúp độc giả hiểu rõ hơn về khái niệm công dân, những quyền tự do, bình đẳng, quyền có tài sản, vai trò của giáo dục, pháp luật, chính trị trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân.
Công dân giáo dục - Tự do, quyền và nghĩa vụ công dân đầu thế kỷ XX là tài liệu quý giá, mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc và toàn diện về công dân, quyền tự do, xã hội, pháp luật và đất nước Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao lịch sử đầy biến động. Cuốn sách không chỉ có giá trị như một tài liệu lịch sử, còn có ý nghĩa như một bộ chuyên khảo, giáo trình xuất sắc về vấn đề giáo dục công dân dưới thời thực dân nửa phong kiến giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX và nhiều mặt còn có giá trị tham khảo cho ngày hôm nay.
Công dân giáo dục - Tự do, quyền và nghĩa vụ công dân đầu thế kỷ XX (Hoàng Đạo, Nguyễn Hữu Sơn)
-
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Tên thật là Nguyễn Tường Long (16/11/1907 - 22/7/1948); nguyên quán làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; sinh tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương… Ông là một thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông còn có các bút danh Tứ Ly, Tường Minh.
Hoàng Đạo viết nhiều phóng sự, tiểu phẩm, tản văn, hài đàm, luận thuyết châm biếm giới quan lại, mở mang dân trí qua các chuyên mục “Trước vành móng ngựa”, “Bùn lầy nước đọng”, “Vấn đề thuộc địa”, “Vấn đề cần lao”, “Vấn đề nhân công”, “Người và việc”, “Công dân giáo dục”…
Tác phẩm chính của Hoàng Đạo có: Trước vành móng ngựa (phóng sự, 1938), Mười điều tâm niệm (luận thuyết, 1939), Bùn lầy nước đọng (luận thuyết, 1940), Con đường sáng (tiểu thuyết, viết chung với Nhất Linh, 1940), Tiếng đàn (tập truyện ngắn, 1941)…