Từ câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước mô tả việc Tổ phụ Abraham tuân lệnh Thiên Chúa, sẵn sàng sát tế con trai mình là Isaac (thường được ngợi ca như một điển tích về sự trung thành vô điều kiện), triết gia Soren Kierkegaard triển khai ba luận đề truy vấn: liệu có tồn tại một sự đình bỏ có tính mục đích luận đối với luân lý hay không?; liệu có tồn tại một bổn phận tuyệt đối với Thượng đế hay không?; Liệu Abraham có thể biện hộ được về mặt luân lý khi che giấu mục đích của mình không cho Sarah, Eleazar và Isaac biết hay không?
Qua đó, ông đưa ra một phép biện chứng hiện sinh, một cái nhìn giải thiêng xuyên qua chân lý, lòng kính sợ, sự xao xuyến, bổn phận và hành động đức tin…
Với Kính sợ và Run rẩy, Soren Kierkegaard bắc một cây cầu suy tưởng nối văn chương, thần học và triết học. Đây cũng là tác phẩm độc đáo, hay nhất và gây tranh cãi nhất của ông; gây kinh ngạc đối với độc giả phổ thông và cả giới nghiên cứu chuyên sâu.
“Kính sợ và Run rẩylà một trong những tác phẩm nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thần học triết lý, văn chương của thế kỷ 19 và thế kỷ 20” – George Steiner “Bản dịch này – có lẽ là lần đầu tiên của một tác phẩm quan trọng của Kierkegaard sang tiếng Việt – nhuần nhị, say mê không chỉ trong văn phong mà cả trong sự thâm cảm của dịch giả với tác phẩm, bất chấp bao ngăn cách.” – Bùi Văn Nam Sơn.
Soren Kierkegaard: Sinh (1813 - 1855) là triết gia, nhà thần học, nhà thơ, nhà phê bình xã hội, và tác gia người Đan Mạch thế kỷ 19. Kierkegaard thẳng tay phê phán triết học Hegel trong thời đại ông cũng như điều mà ông xem là hình thức rỗng tuếch của giáo hội Đan Mạch. Phần lớn nội dung các tác phẩm của Kierkegaard tập chú vào các vấn đề tôn giáo như bản chất của đức tin, định chế của giáo hội, đạo đức và thần học Cơ Đốc, tình cảm và cảm xúc của mỗi cá nhân khi đối diện với những chọn lựa trong cuộc sống. Kierkegaard chọn lựa phương cách để độc giả tự khám phá thông điệp và ý nghĩa các tác phẩm của ông, bởi vì "đây là một việc khó khăn, nhưng chỉ có sự khó khăn mới có thể truyền cảm hứng cho những tâm hồn cao thượng". Do đó, nhiều người đã tìm cách giải thích Kierkegaard như là người có khuynh hướng hiện sinh, tân chính thống, hậu hiện đại, nhân bản, chủ nghĩa cá nhân..v..v… Vượt quá ranh giới của triết học, thần học, tâm lý học, và văn chương, Kierkegaard được nhìn nhận là một nhân vật quan trọng có nhiều ảnh hưởng trên ý thức hệ đương đại.