Phần này viết về Phong trào Cải cách trong khoảng từ năm 1300 đến thập niên 1560. Sau vài trăm trang sách ta mới thấy nhân vật chính Martin Luther xuất hiện. Phần này giúp ta hiểu nhiều điều trong lịch sử: hiểu Luther là người thế nào, cố gắng đạt được điều gì và trong thực tế điều gì đã xảy ra; hiểu tại sao Henry VIII lại làm hết sức để có con trai thừa kế; hiểu tại sao Luther lại chống đối Roma đến thế và bị rơi vào việc đánh đổi điều không thể sai lầm này để lấy điều không thể sai lầm khác; hiểu tại sao nước Đức dẫn đầu cuộc Cải cách vì tiền bạc của nó cứ bị đổ về Roma; hiểu tại sao Giáo hội phải tiến hành chiến tranh và tích tụ tiền bạc để mong tiếp tục nắm giữ quyền lực mong manh đó…
Các tác phẩm khác về thời Phục hưng thường thu hẹp vào nghệ thuật của Ý, và thậm chí thu hẹp vào ba thành phố Firenze, Roma, và Venezia, còn cuốn này đề cập đến sự phát triển trong tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức và nghệ thuật... không chỉ của Ý, mà còn của Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, và Đông Âu. Tuy trọng tâm chính là sự thách thức không chỉ do Luther mà còn do Wyclif, Hus, Calvin, Cnocc, Zwingli, và cộng đồng Huguenot ở Pháp đối với Giáo hội Công giáo, nhưng tác phẩm này cũng nhấn mạnh đến sự trỗi dậy của nhà nước dân tộc chuyên chế, và chủ yếu là qua ba nhà cai trị vĩ đại của thế kỷ XVI: Karl V, Henry VIII, và Francçois I. Thách thức của Tin Lành đối với Công giáo được Durant giải quyết khá công bằng. Sự thối nát của các giáo hoàng, giám mục, tu sĩ và nữ tu được mô tả chi tiết, cũng như sự khoa trương của Luther và thói bất khoan dung gần như độc đoán của Calvin ở Genève.
Những diễn biến khác của thời kỳ này cũng được đề cập: chuyện Vasco da Game đến Ấn Độ; Colombo vượt Đại Tây Dương; Magalhaes và thủy thủ đoàn vòng quanh thế giới; việc buôn bán nô lệ; khởi nghĩa của nông dân ở cả Anh và Đức, Tòa Thẩm tra giáo lý ở Tây Ban Nha, và nỗ lực Phản Cải cách của Giáo hội Công giáo; cho đến những bước phát triển ở thế giới Hồi giáo, Nga, và cộng đồng Do Thái vốn ít chịu tác động của phong trào Cải cách. Ông bà Durant đã rất khéo léo trong việc sắp xếp bố cục để tạo ra một pho sử cân đối, không bỏ sót bộ phận hay lãnh vực nào trong đời sống con người ở những thế kỷ này, đồng thời giữ được cái nhìn công bằng đối với các phe xung đột, nhất là trong vấn đề vốn rất dễ gây tranh cãi như tôn giáo. Những nhận xét riêng của ông bà, thường rất hiếm hoi và thận trọng, luôn đứng trên một lập trường nhân bản và tiến hóa, chẳng hạn như câu: “Từ man rợ đến văn minh đòi hỏi cả thế kỷ; từ văn minh đến man rợ chỉ cần một ngày” khi ông kết luận về cuộc đàn áp dã man những nông dân khởi nghĩa ở Hungary; nhưng chúng ta cũng có thể thấy, câu ấy không chỉ dành cho cuộc đàn áp nói trên, mà dành cho biết bao hành động man rợ của con người với nhau.
---
Phần VI của Bộ sách có tên: “Phong trào cải cách” được chia thành năm Tập sách:
William James Durant (5 tháng 11 năm 1885 – 7 tháng 11 năm 1981) là một nhà sử học, triết gia và tác giả người Hoa Kỳ. Ông đấu tranh cho việc trả lương công bằng, quyền bầu cử của phụ nữ và các điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động Mỹ. Durant không chỉ sáng tác về nhiều chủ đề mà còn tiến hành thực hiện các ý tưởng của mình. Nhiều người cho rằng Durant đã cố gắng đưa triết học đến gần hơn với công chúng.
Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm, tiêu biểu là The Story of Philosophy (Câu chuyện của triết học), The Mansions of Philosophy (Những điền trang của triết học), và cùng với sự trợ giúp của vợ ông Ariel Durant, bộ The Story of Civilization (Câu chuyện của nền văn minh). Tập 10 trong bộ "The Story of Civilization" mang tên Rousseau an Revolution đã đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu nói chung năm 1968. Ông cũng tham gia viết nhiều bài báo nhiều thể loại.