Made In Sài Gòn - Phạm Công Luận

211.650₫ 249.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 200 sản phẩm

Tác giả: Phạm Công Luận

Ngày xuất bản: 01 - 2025

Kích thước: 20.5 x 14.5 cm

Nhà xuất bản: NXB Thế Giới

Hình thức bìa: Bìa mềm

Số trang: 196

 Made In Sài Gòn - Phạm Công Luận

Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã trải qua nhiều biến động về thời cuộc, khiến cho môi trường làm ăn có lúc thuận lợi, có lúc bó hẹp và gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, người dân tứ xứ hội tụ về đây đã góp rất nhiều công sức để làm nên một nền sản xuất tuy rời rạc nhưng cũng mang lại tiện nghi cần thiết cho bao lớp người thành phố và cả khu vực miền Nam trong thời gian dài.

Thông qua các hình ảnh về nhãn hiệu, tranh vẽ, ô quảng cáo in trên báo chí… cuốn sách nhỏ này mong muốn giới thiệu một phần bộ nhận diện thương hiệu các sản phẩm của quá khứ. Chúng giúp độc giả ngày nay hình dung phần nào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong trên dưới nửa thế kỷ qua, và cách vận dụng các thành tựu kỹ thuật để sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ đời sống. Đồng thời cũng giúp họ quan sát cách thiết kế một vài sản phẩm đồ họa của các họa sĩ Việt, Hoa hay Pháp trên đất Sài Gòn gần trăm năm qua.

Trích dẫn sách Made In Sài Gòn

Thử nhớ lại hồi nhỏ chúng ta dùng những món đồ gì trong nhà?

Thế hệ sinh đầu thập niên 1960 chúng tôi lớn lên một chút đã thấy trong gia đình dùng các món đồ ngoại nhập bán rất nhiều ở thương xá Tax, hành lang Eden, siêu thị Nhật Departo, đường Hàm Nghi, Tự Do, Nguyễn Huệ, siêu thị Nguyễn Du, các cửa hàng PX …

Tuy giới bình dân nếu biết tằn tiện vẫn có thể mua được một chiếc xe gắn máy hai bánh, tủ lạnh hay tivi Nhật nhập cảng; đồ dùng trong nhà của đa số dân chúng là do trong nước sản xuất, ở các xưởng đặt tại Sài Gòn, Chợ Lớn hay Gia Định. Chúng có giá vừa túi tiền, chất lượng không cao nhưng xài được, có nhiều thứ tốt và qua thời gian càng tốt hơn do dùng công nghệ mới đưa vào.

Trong nhà tôi và nhiều gia đình khác, từ bếp lên tới phòng khách, vây quanh các đồ quen thuộc.

Buổi sáng sớm chủ nhật rảnh rỗi, ba tôi dậy sớm nấu ấm nước, pha cà phê với sữa đặc nhãn hiệu Kim Cương. Hiệu sữa này sản xuất tại Thủ Đức của hãng Foremost. Xong, ông chế nước sôi còn lại vào cái bình thủy hiệu Lucky làm từ hãng Việt Nam Pha Lê Bình Thủy (đặt ở bến Lê Quang Liêm, Chợ Lớn) để sau cữ cà phê sẽ pha bình trà lớn với trà Nghi Bồi Nhâm sản xuất tại xưởng trên đường Nguyễn Thi hay trà Huỳnh Kỳ Nham ở đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) để uống cả ngày. Buổi trưa, má tôi chế biến mì khô hiệu Tôm Càng hay Gà Trống của công ty Sam Hoa trong Chợ Lớn thành món mì xào ngon lành, còn bà ăn mì chay hiệu lá Bồ Đề. Chị tôi rảnh rỗi dùng miếng “giấy lơ” hiệu Vũ Tạo nhuộm màu xanh lơ lợt cái áo trắng đi học của anh tôi nay đã ngả vàng. Hiệu giấy lơ này của người Bắc vào Sài Gòn sản xuất từ 1954, còn người Nam gọi là “giấy dương” với các hiêu khác như “Nhảy Đầm” hay hiệu “Con Ó”. Buổi chiều, anh tôi mua chai bia lớn hiệu larue của hãng BGI trong Chợ Lớn cho ba tôi uống trong bữa cơm, còn mẹ và các con uống nước ngọt Phương Toàn. Ăn xong, ba tôi bỏ mấy cục pile lớn hiệu Con Ó mới mua lắp vô cái radio để nghe chương trình thời sự trên đài phát thanh Sài gòn. Má tôi ngắm nghía hộp đựng mớ nữ trang bà để dành nhiều năm, do tiệm nữ trang Alfana hay Nguyễn Thế Tài ngoài quận Nhứt làm ra. Còn tôi lo bao mấy cuốn tập hiệu Con Nai, Xích Lô chuẩn bị cho năm học mới, để sẵn mấy cây bút BIC gốc của Pháp nhưng có xưởng sản xuất tại Phú Nhuận

Câu chuyện tiêu dùng gia đình nói trên không có gì lạ đối với người từng sống ở Sài Gòn – Gia Định những năm 1960 hay 1970. Chúng tôi lớn lên tuy thích xài xà bông Camay của Pháp nhưng cả nhà đã quen mùi thơm cục xà bông Việt Nam của ông Trương Văn Bền, quen giặt đồ bằng bột giặt Viso hay bột giặt Net, xài bông gòn hiệu Bạch Tuyết, dùng sơn cũng hiệu Bạch Tuyết sơn cửa, lưu giữ ảnh lưu niệm bằng album hiệu Con Nai… Nhiều gia đình chưng tranh kiếng cảnh sơn thủy làm tại Chợ Lớn trên tủ thờ, dùng lư đồng đúc từ Gò Vấp, đốt pháo Xóm Mới, có bệnh thì mua thuốc nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận hay ở tiệm Thoại Dư Đường trên đường Phùng Hưng. Nhà nào khá giả thích ủng hộ đồ nội hóa thì mua xe hơi La Dalat của công ty xe hơi Sài Gòn sản xuất đã nội địa hóa từ 25% đến 40%, chưng tranh sơn mài hãng Mê Linh ở Đakao hay dùng đồ gỗ của tiệm Phan Văn Nhị.

Đến một lúc nào đó, trong nỗi hoài nhớ những món đồ đã từng đi qua cuộc đời nhỏ nhoi của mình, tôi thực hiện cuốn sách nhỏ này, cuốn “Made in Sài Gòn” song ngữ Việt – Anh do công ty sách Phương Nam xuất bản.

Qua các hình ảnh về nhãn hiệu, tranh vẽ, ô quảng cáo in trên báo chí… tôi mong muốn giới thiệu một phần những sản phẩm, biểu tượng, thương hiệu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn tồn tại trong vòng trăm năm qua. Bên cạnh đó, là hình ảnh một số sản phẩm văn hóa nghệ thuật trong điện ảnh, kịch nghệ, báo chí, âm nhạc, kiến trúc.

Các sản phẩm đó, có thể là chiếc xe hơi sản xuất tại Việt Nam, là các món nữ trang hoặc mẫu giày guốc nổi tiếng, là các sản phẩm gia dụng như bình ắc quy, bóng đèn, đèn pin, bình thủy, đồ nhôm, các loại thực phẩm thiết yếu như bột ngọt, mì gói, nước tương; các sản phẩm may mặc, học cụ, đồ chơi trẻ em; các loại thuốc bắc, thuốc tây chữa bệnh,.. cho đến các sản phẩm văn hóa như tranh sơn mài và đồ mỹ nghệ, sách báo, tập nhạc, dĩa cải lương và phù điêu của các hội quán, lăng miếu trong khu vực Gia Định, Chợ Lớn. Bên cạnh đó, còn có các hình ảnh biểu tượng của hoạt động tài chính như ngân hàng, xổ số; hay logo gắn trên va li các khách sạn nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.

Các hình vẽ, nhãn hiệu, ô quảng cáo trên báo chí, ảnh chụp đồ vật… trong sách là bộ nhận diện thương hiệu các sản phẩm của quá khứ. Chúng giúp độc giả ngày nay hình dung phần nào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trong trên dưới nửa thế kỷ qua, và cách vận dụng các thành tựu kỹ thuật để sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ đời sống. Đồng thời cũng giúp họ quan sát cách thiết kế một sản phẩm đồ họa, của các họa sĩ Việt, Hoa hay Pháp.

Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã trải qua nhiều biến động, thay đổi chế độ, môi trường làm ăn có lúc thuận lợi, có lúc bị bó hẹp và gặp rất nhiều khó khăn thời chiến tranh… Tuy vậy, người dân từ tứ xứ hội tụ về đây đã đóng góp rất nhiều công sức để làm nên một nền sản xuất tuy còn rời rạc, quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định nhưng cũng mang đến những tiện nghi cần thiết cho bao lớp người dân thành phố và toàn miền Nam trong thời gian dài.

Đã có một thời Sài Gòn như thế và cuốn sách này mong góp phần nhỏ vào việc ghi nhận hiện thực đó.

Phạm Công Luận

Thông tin tác giả Phạm Công Luận

Phạm Công Luận Sinh năm 1961 tại Sài Gòn. Hiện làm việc tại báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò, cơ quan đại diện tại TP.HCM. Ngoài hai cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố, anh còn là tác giả của một số cuốn sách được độc giả trẻ mến mộ như Trên đường rong ruổi, Lạc giữa nhân gian, Những lối về ấu thơ, 2011; Nếu biết trăm năm là hữu hạn, 2011 (bút danh Phạm Lữ Ân, viết cùng người bạn đời của anh - chị Đặng Nguyễn Đông Vy)...

zalo