Trong cuốn sách này, Studwell đặt ra những câu hỏi lớn mang tính học thuật rất cao: Tại sao Đông Nam Á, một khu vực với gần 500 triệu dân, nơi mà mức lương 500 đôla một tháng đã là “quá tốt”, năm 1993 đã được Ngân hàng Thế giới mệnh danh là “sự kỳ diệu Đông Á”, lại có sự phân phối của cải theo kiểu Mỹ Latin, đa số dân chúng sống trong cảnh nghèo khó và chỉ có một thiểu số cực giàu mang tính hiện tượng?
Họ là ai?
Nhà tài phiệt hay trùm xã hội đen?
Những tính cách đặc trưng của họ là gì?
Cuốn sách này sẽ cho bạn biết:
Họ đã trở thành Bố già như thế nào?
Họ nắm giữ những dòng tiền mặt và khuynh đảo thị trường vốn ra sao?
Cấu trúc tổ chức doanh nghiệp của các Bố già như thế nào?
Ngân hàng của những Bố già có phục vụ dân chúng hay chỉ là những con lợn bỏ ống của họ?
Thị trường chứng khoán có đem lại lợi ích cho các cổ đông thiểu số hay không?
Các Bố già nhúng tay vào chính trị đã phạm phải những sai lầm ngu ngốc như thế nào?
Và rốt cuộc:
Họ có sung sướng, hạnh phúc hay khổ sở vì luôn toan tính?
----
"NHỮNG BỐ GIÀ CHÂU Á - một trong 10 cuốn sách viết về kinh doanh hay nhất thế giới." theo Tờ Business Week
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về một nhóm khoảng vài chục ông trùm hay đại gia ở Đông Nam Á mà tác giả Joe Studwell gọi là các "bố già". Trong số họ, có 8 doanh nhân được tạp chí Forbes ghi tên trong danh sách 25 người giàu nhất thế giới, và 13 người ở trong danh sách 50 người giàu nhất thế giới. Họ đều là người Đông Nam Á, nhưng lại có thể đại diện cho toàn châu Á rộng lớn.
Và có một hiện tượng thật đáng ngạc nhiên: 90% họ đều là người có gốc gác Trung Hoa - những người “ngoại quốc” đến làm ăn tại các nước Đông Nam Á, trải qua một quá trình “tiếp biến văn hóa” bằng bản năng của những con “tắc kè hoa”, trở thành công dân địa phương, rồi trở thành các “bố già” thống trị nền kinh tế quốc nội và thậm chí khuynh đảo nền chính trị của nước sở tại.
Các phương tiện thông tin đại chúng thường coi các ông trùm này là những người có khả năng về kinh tế, tạo ra của cải và công ăn việc làm cho xã hội; hay thường kể những câu chuyện mang tính giai thoại về tính cách hoặc tác phong sinh hoạt của họ… Trong Những bố già châu Á, Joe Studwell lại miêu tả họ như những con người rất đời thường, nhưng cũng không thiếu những chuyện thuộc loại “thâm cung bí sử”.
Nhìn chung, họ là những con người có ý chí và nghị lực phi thường, làm việc chăm chỉ và nghiêm túc để “từ nghèo khổ trở nên giàu có”. Hiện nay, khi đã là những tỉ phú nhiều tỉ đôla, có thế lực lớn trong gia đình, trong giới kinh doanh và xã hội, nhưng lúc cần tằn tiện thì họ có thể tằn tiện không ai bằng, và những khi họ ăn chơi thì cũng chẳng ai dám sánh…
Với ngòi bút tài tình và các dữ liệu phong phú thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ các cuộc phỏng vấn, trò chuyện mà các "bố già" ưu ái dành cho tác giả, Joe Studwell đã vẽ nên chân dung ba thế hệ "bố già": thời thuộc địa, thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai và các "bố già" thời nay.
Tác giả đặc biệt nhấn mạnh quá trình họ đã “nhập vai” để trở thành "bố già" như thế nào, luồng tiền mặt chủ yếu mà họ nắm giữ đến từ đâu, cấu trúc doanh nghiệp của các "bố già" được tổ chức ra sao để họ có thể ăn “từ gốc đến ngọn”, ngân hàng mà họ lập ra nhằm phục vụ công chúng hay chỉ là những "con lợn bỏ ống” của họ, thị trường chứng khoán có phải là nơi họ chiếm dụng vốn của các cổ đông thiểu số hay không, họ đã cấu kết với những nhân vật sừng sỏ chính trị như thế nào để có được những nhượng bộ và giấy phép độc quyền kinh doanh của chính phủ, “mạng lưới tre” của bọn họ có thực sự hiệu quả như lời đồn đại hay không…
Những nếu chỉ có thế thì Những bố già châu Á chẳng xứng đáng là “một trong 10 cuốn sách nói về kinh doanh hay nhất thế giới”. Đây còn là một cuốn sách rất có giá trị đối với những bạn đọc muốn tìm hiểu và nghiên cứu về kinh tế chính trị, kinh tế học vĩ mô, tài chính - ngân hàng, bất động sản và chứng khoán…
Nói như John D. Van Fleet, cố vấn và trợ lý giảng dạy tại Trường cao đẳng Kinh tế và quản lý An Thái thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, cũng là người phụ trách chuyên mục “Kinh doanh và giáo dục ở Trung Quốc” của tạp chí China Economic Review, thì Những bố già châu Á còn là “một câu chuyện buồn”. Đó là câu chuyện về nguồn của cải dồi dào bị làm cho chệch hướng, về các cơ hội phát triển đã bị trì hoãn, về sự nghèo đói không được giúp đỡ.