NHỮNG HÌNH THÁI SƠ NGUYÊN CỦA ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO (Les Formes Élémentaires de la Vie Religieuse)

413.000₫ 590.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 199 sản phẩm

Ưu đãi 30% với 20 khách hàng đầu tiên - thanh toán chuyển khoản  

ĐẶT TRƯỚC - PHÁT HÀNH THÁNG 1.2025

Tác giả: Émile Durkheim

Trương Xuân Huy dịchTS. Dương Ngọc Dũng giới thiệu

Hình thức: bìa cứng áo khoác tay gấp, 16x24cm, 604 trang

NXB...

NHỮNG HÌNH THÁI SƠ NGUYÊN CỦA ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO (Les Formes Élémentaires de la Vie Religieuse) Émile Durkheim

Trong thời gian theo học chuyên ngành ngữ văn Anh (Đại học Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh vào những năm 1976-1980) tôi tình cờ được bạn bè giới thiệu đến tủ sách của GS. Huỳnh Đình Tế và tìm được cuốn Main Currents in Sociological Thought của Raymond Aron (2 tập, tập 2 bàn về Durkheim, Weber, và Pareto). Ngay lập tức, chẳng hiểu vì lý do gì, tôi quan tâm đến tư tưởng của Émile Durkheim (1858-1917), cha đẻ ngành xã hội học, về các vấn đề tôn giáo đến mức trong luận văn tốt nghiệp của mình (1980, bàn về vở kịch Hamlet của Shakespeare) tôi chủ yếu quan tâm phân tích bối cảnh tôn giáo thời Elizabeth I để giải thích sự trì hoãn của vị hoàng tử Đan Mạch này trong việc báo thù cha. Năm 1995 khi vào chương trình Philosophy of Religion tại đại học Boston (Hoa Kỳ), tôi tham gia khóa học về phương pháp tiếp cận tôn giáo theo hướng xã hội học với GS. M. David Eckel và GS. Peter Berger. Vậy là tôi có cơ hội đọc lại Durkheim và Weber một cách bài bản hơn. So với Weber trong lĩnh vực phân tích tôn giáo thì Durkheim không nổi tiếng bằng nhưng tác phẩm Những hình thái sơ nguyên của đời sống tôn giáo (Les formes élémentaires de la vie religieuse) của vị tổ sư xã hội học này quả thật là một tác phẩm kinh điển, xứng đáng làm sách gối đầu giường cho các nhà tôn giáo học, bên cạnh Nền đạo đức Tin Lành và Tinh thần của Chủ nghĩa tư bản (Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus, 1920) của Max Weber (1864-1920). Tác phẩm của Weber may mắn đã được một nhóm chuyên gia hàng đầu Việt Nam như NNC. Bùi Văn Nam Sơn, NNC. Nguyễn Quân, NNC. Nguyễn Nghị, GS.TS. Trần Hữu Quang hợp tác chuyển dịch sang Việt ngữ, còn bản dịch kiệt tác của Durkheim thì đến bây giờ mới được đến tay bạn đọc. Trước đây nhiều năm GS. Chu Hảo, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, đã có ý định biên dịch tác phẩm Les Formes của Durkheim, nhưng thời vận đẩy đưa thế nào, ông vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện. Trong thị trường chữ nghĩa tại Việt Nam, theo sự hiểu biết của tôi, hình như chỉ có một tác phẩm của Durkheim được biên dịch sang tiếng Việt là cuốn Les règles de la méthode sociologique (Các quy tắc về phương pháp xã hội học, Đinh Hồng Phúc dịch, NXB Tri thức 2012). Nhưng kiệt tác kinh điển của Durkheim được nhiều người xưng tụng lại chính là Những hình thái sơ nguyên của đời sống tôn giáo. Đây cũng là tác phẩm đặt nền tảng vững chắc cho môn xã hội học tôn giáo (sociology of religion) được Presses universitaires de France xuất bản lần đầu vào năm 1912. Những quan điểm được Durkheim trình bày trong kiệt tác này có thể được tóm gọn trong những mệnh đề mang tính khẳng quyết như sau:

1. Chức năng xã hội chủ yếu của tôn giáo là củng cố sự gắn kết trong cộng đồng, xã hội (social cohesion).

2. Tôn giáo đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đem lại trật tự, ổn định, chuẩn hóa các quy tắc đạo đức trong xã hội (social regulation).

3. Khi thờ phượng một đấng thần linh nào đó (Thiên Chúa, Phật, Allah) các tín đồ đang thờ lạy chính xã hội.

4. Bản chất của tôn giáo nằm trong sự tách ly giữa cái thiêng liêng (the sacred) và cái phàm tục (the profane). Chính hai phạm trù này đã định hình cái nhìn tôn giáo của Mircea Eliade (1907-1986), một trong những nhà nghiên cứu tôn giáo vĩ đại nhất của thế kỷ 20, tác giả của Cái Thiêng và Cái Phàm (The Sacred and the Profane, 1961), một tác phẩm kinh điển trong lãnh vực tôn giáo học với trọng tâm trình bày là lý luận về linh hiện (hierophany) được tác giả định nghĩa là “sự trình hiện của thực thể thiêng liêng” (the manifestation of the Sacred).

Durkheim định nghĩa tôn giáo như sau: “Tôn giáo là một hệ thống liên kết các niềm tin và thực hành có liên quan đến những sự việc thiêng liêng (choses sacrées), tức là, những sự vụ bị cấm đoán (interdites), bị tách riêng ra (séparées), những niềm tin và thực hành này đã thống nhất lại những người gắn bó với chúng [DND: các niềm tin và thực hành đó] thành một cộng đồng tinh thần duy nhất được gọi là giáo hội.” (Une religion est un système solidaire de croyances et de pratiques relatives à des choses sacrées, c’est-à-dire séparées, interdites, croyances et pratiques qui unissent en une même communauté morale, appelée Église, tous ceux qui y adhèrent. (Durkheim,  Les formes elementaires de la vie religieuse, p. 71. Trích dẫn trên của tôi dựa theo ấn bản lần thứ 7 của nhà xuất bản Quadrige, 2013).

Phương pháp Durkheim dùng để khảo sát các nguồn gốc sơ nguyên nhất, nguyên thủy nhất của tôn giáo, chính là phương pháp dân tộc học (ethnology), được áp dụng vào việc nghiên cứu các thực hành tôn giáo của thổ dân Úc. Phản đối quan điểm của nhà nhân học Edward B. Tylor (1832-1917) trong tác phẩm kinh điển Văn hóa nguyên thủy (Primitive Culture, 1871) cho rằng tôn giáo bản nguyên của loài người chính là “tín ngưỡng vạn vật hữu linh” (animism), Durkheim khẳng định rằng tôn giáo bản nguyên đó phải là “tín ngưỡng thờ vật tổ” (totemism). Trong cái nhìn thuyên giải của Durkheim, sự sùng bái vật tổ của các thổ dân châu Úc là một hình thái chuyển hóa của sự sùng bái xã hội vì vật tổ (totem) là vật biểu tượng cho chính xã hội. Lý luận về vật tổ của Durkheim được trình bày rất chi tiết trong chương 4 của tác phẩm này.

Cần lưu ý là khi sử dụng phương pháp nhân học (anthropology) hay dân tộc học (ethnography) trong việc nghiên cứu tôn giáo, Durkheim, cũng như các nhà xã hội học theo trường phái chức năng, hiếm khi đi sâu vào việc tìm hiểu bản chất tôn giáo, họ cho đó là tư biện triết học không có cơ sở, mà chỉ tập trung khảo sát các hiện tượng tôn giáo như những thực kiện xã hội (social facts) đã được cho sẵn. Chính vì thế câu hỏi quan trọng nhất của Durkheim hay của bất kỳ nhà xã hội học chức năng nào, đó là: “Thực kiện xã hội đó (ly hôn, tự tử, thờ cúng... ) đảm nhận hay làm tan rã một chức năng xã hội” như thế nào?” Như chúng ta đã biết, Durkheim khẳng định rằng chức năng căn bản nhất của thực hành và niềm tin tôn giáo là duy trì sự liên đới, gắn kết giữa các thành viên trong một nhóm, cộng đồng, hay xã hội.

Bất chấp bao nhiêu thời gian đã trôi qua, và cũng bất chấp bao nhiêu sự phê bình và chỉ trích, đúng đắn có, cay nghiệt có, thậm chí phủ quyết sạch trơn cũng có, nhưng kiệt tác Những hình thái sơ nguyên của đời sống tôn giáo của Émile Durkheim vẫn vẹn nguyên giá trị vĩnh cửu của nó như một hòn đá tảng quan trọng nhất, lớn nhất, với tầm cao sánh ngang cùng các tác phẩm của Max Weber, Peter Berger, Thomas Luckmann, Mircea Eliade, Rudolf Otto sau này, trong công trình kiến trúc đồ sộ của chuyên ngành triết học và xã hội học tôn giáo.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG

Chuyên ngành Tôn giáo học (Boston University, 2001)

Giám đốc Chương trình Triết học

Trường Đại học Hoa Sen (2021-2024)

 

zalo