Lời giới thiệu của Sa môn Thích Kiến Nguyệt – Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên dành cho bộ sách Phật học căn bản.
Vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, đại đế Asoka của Ấn Độ đã bắt đầu công cuộc truyền bá Đạo Phật khắp đất nước Ấn Độ và sang các nước lân bang. Kể từ đó Đạo Phật đã không còn là tôn giáo của bổn địa mà đã vượt ra khỏi cái nôi của nó để lan rộng và bén rễ khắp nơi trên toàn cầu. Bắt đầu từ châu Á, nó đã đến châu Âu vào thế kỷ mười chín và nở rộ vào đầu thế kỷ hai mươi. Nhiều trung tâm Phật giáo được thành lập, các phân viện Phật học trong các trường đại học lớn ở châu Âu đã nghiên cứu và giảng dạy Đạo Phật một cách nghiêm túc và cẩn trọng. Người Châu Âu đến với Đạo Phật không giống như một tín đồ, mà họ đã được truyền cảm hứng từ những giá trị vô cùng to lớn mà Đạo Phật đã đem đến cho đời sống của họ. Họ đến với Đạo Phật để sống và thực hành chứ không phải để tôn thờ hay sùng bái.
Đạo Phật không cần sự quảng cáo mang tính chất như truyền đạo để mở rộng tín đồ, bởi vì bản thân nó tự toả sáng và có sức sống mãnh liệt trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta biết ơn và vô cùng trân trọng sự đóng góp to lớn của những nhà hiền triết, và các học giả lỗi lạc đã thâm nhập những triết lý sâu xa của giáo Pháp, giảng giải, và hiển lộ ý nghĩa thâm sâu của chúng, để nhiều người được tiếp cận hơn và hưởng được lợi ích tâm linh đích thực hơn. Và trong số nhiều bậc hiền giả ấy, chúng tôi xin trân trọng và biết ơn giáo sĩ Ari Ubeysekara tại đại học Cardiff Anh Quốc tác giả của bộ sách “Phật học căn bản” đã dành thời gian tâm huyết cuộc đời mình để thực hành và giảng dạy giáo lý của Đức Thế Tôn, và đồng thời chúng tôi trân trọng sự đóng góp chân thành của dịch giả Thuỷ Nguyễn đã biên tập và chuyển ngữ tập sách quý báu này, đóng góp một phần quan trọng cho nền Phật học nước nhà.
Khi đọc bản thảo của tập sách này, theo thiện ý của chúng tôi nhận thấy đây là một tài liệu Phật giáo quý báu đã được tập hợp và hệ thống lại rất thuận lợi cho những ai đang dấn bước trên hành trình tâm linh, khát khao tìm cầu trí tuệ và thực hành giáo pháp của Đạo Phật. Bộ sách cung cấp cho độc giả một nền tảng kiến thức đầy đủ và vững chắc, những chỉ dẫn thực hành đúng đắn để hành giả có thể tự mình bước đi mà không còn mông lung lạc lối. Dù bạn đang thực hành theo truyền thống Đạo Phật nào thì bộ sách này cũng là cẩm nang gối đầu, bổ sung và làm giàu thêm kiến thức cũng như pháp hành cho bạn, khIến cho sự thực hành tâm linh của bạn trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
Ngoài việc cung cấp kiến thức giáo lý và thực hành, bộ sách này còn cung cấp cho độc giả một số lượng lớn thuật ngữ Phật học, giúp cho độc giả dễ dàng lĩnh hội được ý nghĩa của các bài giảng của Đức Phật trong kinh điển, và hỗ trợ hữu ích cho những học giả có nguyện vọng nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực Phật học ở trong nước và ở nước ngoài Với nhận thức như trên, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách này tới quý độc giả. Kính nguyện cho Giáo Pháp trường tồn mãi trên thế gian, muôn loài cùng được lợi lạc.
Mục lục sách Phật Học Căn Bản - Quyển 2
Lời tựa
Lời giới thiệu
Lời dịch giả
Chương 1
Mười Ba La Mật (Đức Hạnh) (Dasa Parami)
Mười Nghiệp Phi Công Đức (Dasa Akusal)
Đức Tin Trong Đạo Phật (Saddha)
Kham Nhẫn (Khanti)
Tham Sân Si – Tam độc (Akusala Mula)
Bốn Loại Thức Ăn (Satara Ahara)
Lậu Hoặc (Các Cấu Uế Của Tâm)
Mười Kiết Sử (Dasa Samyojana)
Niết Bàn (Nibbana)
Mười Sáu Loại Tuệ Minh Sát (Vipassana Nana)
Chương 2
Các Loại Giải Thoát (Vimutti)
Khái Niệm Hý Luận (Papancha)
Lậu Hoặc Và Sự Đoạn Trừ (Asava)
Bảy Mươi Ba Loại Trí Tuệ Thế Gian và Xuất Thế Gian
Tham Ái (Tanha)
Từ Bỏ (Nekkhamma)
Tỉnh Giác (Sampajanna)
Năm Giới Đạo Đức (Pancha Sila)
Năm Thủ Uẩn (Pancha Upadanakkhanda)
Ngũ Triền Cái (Pancha Nivarana)
Sáu Xúc Xứ (Salayatana)
Chánh Kiến (Samma Ditthi)
Chánh Ngữ (Samma Vaca)
Tùy Miên (Anusaya)
Thân Kiến (Sakkaya Ditthi)
Như Lý Tác Ý (Yoniso Manasikara)
Chương 3
Từ Tâm Vô Lượng (Metta)
Tâm Bi Vô Lượng (Karuna)
Hỷ Tâm Vô Lượng (Mudita)
Xả Tâm Vô Lượng (Upekkha)
Tầm Quan Trọng Của Cảm Thọ (Vedana)
Tầm Quan Trọng Của Tinh Tấn (Viriya)
Hành Trong Đạo Phật (Sankhara)
Tầm Trong Đạo Phật (Vitakka)
Tùy Tín Hành và Tùy Pháp Hành (Saddhanusari and Dhammanusari)
Diệt Thọ Tưởng Định (Nirodha Samapatti)
Thiền Trong Đạo Phật
Thiền Niệm Hơi Thở (Anapanasati Bhavana)
Sách Khai Phóng giới thiệu trọn bộ 3 quyển (Phật Học Cơ Bản) tới quý đọc giả. Tìm đọc tại website: sachkhaiphong.com