Tác giả: Aristotle
Dịch giả: Nguyễn Nguyên Hy & Lê Duy Nam
Hình thức: bìa cứng, 16X24cm, 552 trang
Nhà Xuất Bản: NXB Đà Nẵng, 2023
Chính nhờ ký ức mà con người có được kinh nghiệm, bởi vì vô số ký ức về cùng một thứ gộp lại tạo ra ấn tượng của một trải nghiệm duy nhất về thứ đó Kinh nghiệm có vẻ rất giống với khoa học và nghệ thuật, nhưng thực ra chính nhờ kinh nghiệm mà con người có được khoa học và nghệ thuật; vì như Polus đã nói rất đúng, “kinh nghiệm tạo ra nghệ thuật, nhưng thiếu kinh nghiệm thì chỉ tạo ra những vận may rủi”. Nghệ thuật được tạo ra khi một suy xét phổ quát duy nhất được hình thành liên quan đến các sự vật tương tự nhau từ nhiều kinh nghiệm khác nhau...Dường như đối với các mục đích thực tiễn, kinh nghiệm không hề thấp kém hơn so với nghệ thuật; quả thật, chúng ta thấy những người có kinh nghiệm thành công hơn những người chỉ có lý thuyết mà không có kinh nghiệm. Lý do của điều này chính ở chỗ kinh nghiệm là hiểu biết về các chi tiết, nhưng nghệ thuật lại là hiểu biết về cái phổ quát; hành động và các kết quả được tạo ra đều liên quan đến cái cụ thể.
Trích trang 30-31
Về tổng quát, mọi sự vật đều có đầu tiên, bởi vì chúng ta bốn nguyên cứ. Trong số này, nguyên cứ thứ nhất chúng ta cần nhắc tới là tự tính; nguyên cứ thứ hai là vật chất hay cụ thể hơn là vật chất nền; nguyên cứ thứ ba là biến dịch; và thứ tư là nguyên cứ đích cuối, có thể gọi là mục đích hay “điều tốt”, và nó chính là kết thúc của mỗi quá trình khởi sinh hay biến dịch.
Trích trang 40-41
Cái vốn thay đổi sẽ thay đổi hoặc từ hiển lộ thành hiển lộ, hoặc từ ẩn tàng thành ẩn tàng, hoặc từ hiển lộ thành ẩn tàng, hoặc từ ẩn tàng thành hiển lộ. “Hiển lộ” ở đây được biểu thị là một sự khẳng định. Như vậy phải có ba hình thức thay đổi; vì cái mà đi từ ẩn tàng thành ẩn tàng thì không thay đổi, bởi vì chúng không phải là những trái ngược, cũng chẳng phải là mâu thuẫn, vì chúng không có sự đối ngẫu. Sự thay đổi từ ẩn tàng thành hiển lộ trái ngược của nó là sự khởi sinh — thay đổi tuyệt đối tương ứng khởi sinh tuyệt đối, và thay đổi có điều kiện tương ứng khởi sinh có điều kiện; và sự thay đổi từ hiển lộ sang ẩn tàng là sự hủy diệt — sự thay đổi tuyệt đối tương ứng sự hủy diệt tuyệt đối và sự thay đổi có điều kiện tương ứng sự hủy diệt có điều kiện."
Trích trang 422-423