Cuộc khủng hoảng này không thuần túy là kinh tế và tài tính, mà còn là triết lý và tâm linh nữa. Nó đưa ta về những câu hỏi phổ quát: cái gì khiến con người hạnh phúc? Cái gì có thể coi là sự tiến bộ thực sự? Đâu là những điều kiện cho một xã hội hài hòa?
Trái với cách nhìn con người và thế giới thuần túy vật chất, Sokrates, Chúa Giêsu và Đức Phật là ba bậc thầy của cuộc sống. Một cuộc sống mà họ không bao giờ đóng khung trong một quan niệm kín kẽ và giáo điều. Trải qua nhiều thế kỷ, lời dạy của các vị vẫn không một nếp nhăn, và vượt lên các dị biệt, chúng đồng quy trên điều chính yếu: hiện hữu của con người là quý báu, và dù đến từ đâu, mỗi người đều được mời gọi cầu tìm chân lý, tự hiểu biết chính mình từ hâm sâu, sống tự do, an hòa với chính ta và kẻ khác. Một thông điệp nhân bản và tâm linh, nó trả lời thẳng thắn cho câu hỏi cốt yếu: vì sao tôi sống, tôi sống vì cái gì?
Họ dạy ta và giúp ta sống. Họ không đề nghị chúng ta một thứ hạnh phúc “chìa khoá trong tay”, mà thứ hạnh phúc là thành quả của một trải nghiệm đích thực trên chính mình. Họ nói về niềm vui hơn là về khoái lạc. Họ là những hướng dẫn viên đòi hỏi, những người “đỡ đẻ” tử tế, những người tỉnh thức muôn đời.