"Thế giới như là ý chí và biểu tượng" là tác phẩm quan trọng nhất, cũng là tác phẩm trung tâm trong triết học của Arthur Schopenhauer. Ấn bản đầu tiên của tác phẩm xuất bản vào cuối năm 1818. Ấn bản thứ hai gồm hai tập xuất hiện vào năm 1844: tập một là phiên bản đã chỉnh sửa của ấn bản năm 1818, trong khi tập hai bao gồm các bài bình luận về các ý tưởng được trình bày trong tập một. Ấn bản mở rộng thứ ba được xuất bản vào năm 1859, một năm trước khi Schopenhauer qua đời.
[...]
Thế giới được Schopenhauer quan sát ở ba lĩnh vực siêu hình học, mỹ học và đạo đức học; trong đó, Ý chí là cốt lõi, là trung tâm xuyên suốt thế giới của ông. Vì vậy, ông triển khai tư tưởng “thế giới như là ý chí và biểu tượng” thật ra là triển khai tự nhiên siêu hình học, mỹ học và đạo đức học bằng phạm trù Ý chí. Triết học, trong mắt ông chỉ có Plato và Kant mới thật sự là đỉnh cao, vì vậy, ông muốn gồm thâu tinh hoa lý thuyết của hai triết gia này (Ý niệm và vật-tự-thân) vào phạm trù Ý chí của mình. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi thấy siêu hình học, mỹ học và đạo đức học trong triết học của ông bàng bạc Ý niệm và vật-tự-thân đan xen với Ý chí. Nhưng nếu ông dùng nguyên si Ý niệm / Mô thức và vật-tự-thân của hai triết gia tiền bối thì Schopenhauer không còn là Schopenhauer nữa. Vì lý do đó, Ý niệm / Mô thức và vật-tự-thân của hai triết gia tiền bối đã được ông tiếp biến thành phạm trù Ý chí mang bản sắc Schopenhauer.
Triết học của ông có thể được tóm gọn qua hai vấn đề: (i) Thế giới trong chính triết học của ông và (ii) Ý chí và Biểu tượng.
- Trích Lời nói đầu -
----
Arthur Schopenhauer (1788 – 1860): là một nhà triết học duy tâm người Đức. Ông là một trong những nhà tư tưởng phương Tây thế hệ đầu chia sẻ nhiều điểm chung với triết học Ấn Độ, chẳng hạn như sự khổ tu, sự chối bỏ bản thân, và ý niệm cho rằng thế giới là sự phô chiếu ảo ảnh. Một số học giả coi các công trình triết học của ông là ví dụ điển hình của chủ nghĩa bi quan triết học.
Lý thuyết siêu hình của ông chính là nền tảng cho các tác phẩm về đề tài tâm lý học, mỹ học, đạo đức học và chính trị học, Phật học những tác phẩm đã để lại tầm ảnh hưởng tới các danh nhân sau này như Friedrich Nietzsche, Wagner, Ludwig Wittgenstein, Sigmund Freud và nhiều người khác.
........
Đâu là Đông? Đâu là Tây? Thực ra, chỉ khi chúng ta dính chặt nơi mặt đất mới “thấy” có Đông – Tây, còn khi vươn mình lên vũ trụ bao la thì Đông Tây Nam Bắc chỉ còn là những quy ước trong nhận thức. Chúng ta chia ra triết Đông – triết Tây như là một phương tiện để quy ước phương pháp tiếp cận bản thể, vì vậy, muốn vươn mình vào chân lý, ta tất yếu không thể dính chặt vào quy ước triết Đông – triết Tây. Đó, phải được xem là điều tiên quyết khi tìm hiểu tư tưởng Schopenhauer (Đức, 1788 – 1860). Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam, chúng ta thỉnh thoảng được biết đến triết học Schopenhauer qua những dịch phẩm gián tiếp như: giới thiệu, dẫn luận, trích..., nhưng chừng đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của những người nhiệt tâm tìm hiểu tư tưởng của ông. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi cũng cố gắng phiên dịch tác phẩm tiêu biểu cho tư tưởng của ông là Thế giới như là Ý chí và Biểu tượng, nhằm giới thiệu đến quý độc giả để cùng nhau trao đổi, hiểu thêm và hiểu đúng hơn triết học Schopenhauer.
..................
Thế giới như biểu tượng – đó là thế giới phenomenon, thế giới như “vật cho ta”, cái thế giới hiện ra cho ta một cách hư ảo, biến hóa (hiện hữu dối lừa), hiện ra cho nhận thức duy lý; thế giới ấy là đối tượng của khoa học.
Thế giới như ý chí – đó là thế giới noumenon, thế giới như “vật tự nó”, thế giới như nó tồn tại trong thực tế; thế giới ấy là đối tượng của siêu hình học.
Ý chí là gì? - Ý chí là xung lực bản năng, bản chất và hạt nhân của sự vật. Vũ trụ là một ý chí tự phát, còn ý thức con người là sự thể hiện ý chí ở hình thức cao nhất, nghĩa là sự thể hiện một cách tự giác. Ý chí có khắp vũ trụ, giới tự nhiên, con người. Nếu F. Hegel khách thể hóa lý trí, ý niệm thì Schopenhauer khách thể hóa ý chí. Nói khác đi, tôi tồn tại như một ý chí. Nếu tìm hiểu trực tiếp bản thân con người, thì có thể phát hiện cái căn bản nhất ở con người là ý chí (ham muốn, dục vọng). Ý chí luôn là ý chí hướng đến đối tượng. Ý chí, do đó, là một thực tại của con người trong quan hệ với thế giới, nói cách khác, ý chí là một đại diện chân chính của con người trên bước đường khẳng định cái Tôi của mình.
Tóm lại, thế giới là tấm gương phản ánh ý chí con người. Ý chí mang tính phổ biến, đạt đến ý chí vũ trụ. Ý chí lớn nhất, bao trùm nhất, cuồng nhiệt nhất là ý chí sinh tồn, ý chí sự sống. Nó thể hiện muôn màu muôn vẻ trong thế giới, làm nên dòng xung động mãnh liệt, không ngừng nghỉ, nảy nở, sinh sôi. Đó là thế giới “vật tự nó” rất vô thức, mù quáng, nhưng không thể ngăn nổi. Ý chí của tôi – đó là ý chí diễn ra qua ý thức; ý chí vũ trụ - đó là ý chí vô thức, mù quáng. Giữa hai loại đó có một điểm tương đồng cơ bản: ý chí sinh tồn.
Tôi cảm giác về thế giới như sự ham thích tự do; thế giới sáng tạo không phục tùng một tính quy luật nào, không dựa vào lý trí để nhận thức. Ý chí, như chính tồn tại, nằm bên ngoài tính tất yếu, tính quy luật, cơ chê vận hành. Ý chí luôn tự do.
Khoa học xem “vật cho ta” là đối tượng, còn “vật tự nó” là vương quốc của ý chí.
F. Nietzsche (1844 – 1900) đã khai triển ý chí sinh tồn của Schopenhauer thành ý chí quyền lực.