Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi - Phan Thúy Hà

140.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 99 sản phẩm

Tác giả: Phan Thúy Hà

Hình thức: Bìa mềm, 356 trang

Thể loại: Hồi ký

Nhà xuất bản: Phụ Nữ, 2020

Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi - Phan Thúy Hà

VẾT THƯƠNG / NỖI BẤT HẠNH VIỆT NAM

Ngô Thị Kim Cúc

(Đọc hai tập sách Đừng kể tên tôi và Tôi là con gái của cha tôi của Phan Thúy Hà)

Đó là bản “Tổng kết Chiến Tranh Việt Nam ”, viết bởi một nhà văn sinh năm 1979, bốn năm sau khi tiếng súng đã chấm dứt.

Cho tới nay, không ai biết đích xác con số tử sĩ của hai miền, và cả con số thường dân bị “ lạc đạn ” / bị giết cố ý. Phan Thúy Hà không thể gặp những người đã tử trận, cũng không có cơ hội gặp những sĩ quan cấp cao, cô chỉ có thể giáp mặt những người lính bình thường, để nghe họ kể về tuổi trẻ mình trong chiến tranh, và ghi lại…

Những mảnh ghép nhỏ bé, rời rạc, run rẩy và ngập ngụa nước mắt ấy, khi nối kết lại qua cả không gian lẫn thời gian, vượt qua ranh giới địch-ta suốt hơn hai mươi năm, bỗng hiển hiện chân dung cuộc chiến đã làm tốn hao bao giấy mực của nhân loại, gây ra bao tranh cãi, phân ly, và cho tới giờ – bốn mươi bốn năm sau khi đã kết thúc – vẫn còn bao câu hỏi chưa có lời đáp.

Có thể Phan Thúy Hà không hiểu hết vì sao cô tự nhiệm công việc này, nhưng rốt cuộc cô đã làm được điều mà chính cô không hề kỳ vọng : viết lời truy điệu cho những chinh phu / hiếu tử đã một đi không trở về, hoặc về với một phần xương thịt / tuổi trẻ quý giá đã bỏ lại chiến trường. Đó là trải nghiệm, mất mát lớn mà những người lính chẳng thể quên, chẳng thể nào nguôi nghĩ tới, trong phần đời còn lại của mình.

Việc lên đường, tham dự vào cuộc chiến của từng người lính có khác nhau, dù ở miền nam hay miền bắc. Có người tự nguyện bước vào chiến tranh với một lý tưởng, cũng có người bị buộc phải tham gia một cách miễn cưỡng. Thế nhưng khi ra trận, họ đều là người trực tiếp cầm súng, họ sẽ giết người hoặc bị người giết. Họ cảm nhận đầy đủ như nhau nỗi bi thương mà người lính phải đối mặt. Ở chiến trường, mạng sống con người chẳng là gì trước bom đạn. Ở đó, gia đình và quê hương tít tắp xa, tình thương yêu thì mù mịt đẩu đâu, chỉ còn đồng đội sẻ chia cùng mình cái chết và cả sự vô nghĩa… Những sự thật chiến trường quá khốc liệt. Những cái chết quá đơn giản như trêu đùa, như mỉa mai, như trừng phạt…

Tôi trong Đừng kể tên tôi (NXB Phụ Nữ, tháng 12/2017) là những người lính ra đi từ miền bắc. Ở phần đất ấy, người dân chỉ nhìn nhận chiến tranh qua tiếng gầm của máy bay Mỹ, tiếng bom, tiếng người bị thương kêu khóc hay tiếng kẻ sống gào thét trước cái chết của người thân.

Có những người lính lên đường ngùn ngụt lý tưởng. Lúc ở nhà, họ đã ăn đói để nộp thóc nuôi quân. Vào chiến trường, họ thường chiến đấu với cái bụng rỗng, nhưng họ vẫn là những người lính dũng cảm quyết tử, vì họ đã nuôi chí căm thù sâu sắc từ buổi ấu thơ.

“… Tôi xem bộ phim Nguyễn Văn Trỗi mười ba lần ở các rạp chiếu phim lưu động… Tôi thuộc lòng từng câu anh Trỗi nói... Đêm về tôi ngủ mơ thấy hình anh Trỗi trước họng súng mà vẫn hiên ngang nói lời chính trực… Được chết như anh Trỗi tôi hạnh phúc biết bao… Tôi đã hiểu tại sao quê mình bom pháo nhiều đến thế, tại sao giặc Mỹ gây tội ác cho dân mình. Mỹ chiếm miền Nam và Mỹ sẽ tấn công ra miền Bắc. Việt Nam sẽ bị Mỹ nuốt chửng. Mỹ sẽ cai trị đất nước này. Người dân cả nước Việt Nam rồi sẽ chìm trong đêm trường tăm tối…”.

“ Thiếu ăn, đói ăn là chuyện của mỗi nhà. Trách nhiệm chung vẫn phải thực hiện. Mỗi người dân trên mười tám tuổi mỗi năm phải nộp mười cân thịt lợn hơi cho quốc phòng. Không có thịt lợn thì quy ra sáu mươi cân thóc… Dân có nghĩa vụ nuôi bộ đội. Lấy của bộ đội dù một hạt muối cũng là Việt gian…”.

Cũng có người ra chiến trường với một tâm thế khác. Có người chưa bắn được viên đạn nào, chưa hề nhìn thấy mặt “ quân thù ” thì đã chết một cách vô nghĩa ở tuổi hai mươi.

“… Lượng người Cẩm Xuyên, đang làm công nhân lâm trường thì được gọi đi nhập ngũ.

Khung huấn luyện mười lăm ngày… Thử tưởng tượng xem, với mười lăm ngày bạn học được gì ? Thằng Ánh còn chưa biết cách cầm súng… Lệnh khẩn trương vào Quảng Trị bổ sung quân. Chiều ngày 12 tháng 4 năm 1972 chúng tôi lên đường… Năm giờ chiều chúng tôi được lệnh tối nay qua sông Thạch Hãn. “ Báo cáo thủ trưởng em không biết bơi ”. Thủ trưởng rút súng ra. “ Đây là mệnh lệnh chiến đấu. Đồng chí không biết bơi có tổ ba người kéo đồng chí sang ”. Thổi phồng túi phao bơi, cho ba lô và quân tư trang vào buộc chặt. Bám lấy phao bơi. Bám lấy đồng đội. Ra tới giữa dòng. Nước lớn. Bèo tây từng đám dày. Sông thì rộng. Bên kia sông, pháo và súng đại liên dội tới. Tôi chấp chới. Vẫy vùng. Tiếng kêu cứu thất thanh của Lượng. Những cái đầu nhấp nhô. Tôi sang được bờ bên kia. Xác Lượng trôi về Cửa Việt…”.

Tất cả những gì người lính chịu đựng trong chiến tranh có thể trở thành ký ức đầy tự hào, nếu hòa bình mang lại cho họ đúng những gì họ đã mơ đã nghĩ. Tuổi trẻ / phần thân thể đã mất, cái chết của đồng đội… không hề phí uổng. Thế nhưng, ngay trên quê hương của những người thắng trận cuối cùng, lại có những dằn vặt, những câu hỏi, những nỗi buồn thăm thẳm…

“… Trên người tôi không có vết thương. Tôi không bị trúng đạn lần nào. Khám lần cuối cùng trước khi xuất ngũ sức khỏe tôi bình thường. Về quê vài năm sau tôi yếu dần. Bốn mươi ba tuổi tôi không cầm cày được nữa, không kéo xe được nữa. Lao động chính trong gia đình dồn lên vai vợ. Cô ấy mệt quá. Cô ấy nói, mười hai năm, lẽ ra anh phải có lương.

Tôi học được gì trong chiến tranh ? Tôi học được sự cam chịu. Tôi học được cách nhìn, chuyện gì rồi cũng qua. Và mọi chuyện cũng qua. Vợ tôi kiệt sức không còn kêu than được nữa, các con tôi lần lượt có việc làm. Tôi chết được rồi…”.

“… Sau này tôi mới biết, đơn vị đã ghi tôi vào danh sách liệt sĩ. May là họ chưa gửi giấy báo tử về quê… Khi tôi về đơn vị thì quân trang tôi người ta đã mang đi. Cuốn sổ giấu trong đáy ba lô mang theo bên mình hơn bốn năm qua cũng bị lấy mất… Tôi trở về đơn vị, tiếp tục nhận nhiệm vụ lên Tây Nguyên chiến đấu với Fulro… Cuối năm 1976, tôi được đi phép, về quê. Tôi rời nhà vào chiến trường đã năm năm… Vườn hoang, ngôi nhà trống không ọp ẹp. Em gái đi ra Bắc học nghề. Chỉ còn mẹ già yếu ở một mình… Cảnh nhà thế này sao tôi bỏ mẹ mà đi được. Tôi vào đơn vị, xin làm thủ tục ra quân. Về nhà chặt tranh tre, cuốc xới vườn, dựng lại nhà, cùng mẹ kiếm bữa ăn qua ngày…

… Những lá thư của em giờ tôi mới đọc. Em gửi thư về cho tôi qua địa chỉ của mẹ ở quê.

Đêm khuya mẹ đã ngủ giấc bình yên khi con trai nguyên vẹn trở về. Tôi mở từng lá thư. Nước mắt tôi chảy tràn…

… Tuổi trẻ của tôi đâu ai đã cướp đi tuổi trẻ của tôi…”.

Đó là tiếng kêu đau xót từ trái tim đầy vết thương một người lính đã bao lần thoát chết. Anh đã có mặt trong đoàn quân tiếp quản Sài Gòn, đã trải qua tâm trạng của người nông dân miền bắc lần đầu tiếp xúc với con người / phố phường Sài Gòn. Biết bao nghi ngờ, cảnh giác, ngạc nhiên, bỡ ngỡ… Anh lính trẻ đã không dám đáp lại tình cảm của cô gái Sài Gòn đầy tin cậy, bởi bao nhiêu e ngại và định kiến… Cho đến khi thật sự hiểu ra thì mọi chuyện đã lỡ làng, đã quá muộn…

Người thắng đã vậy, còn kẻ thua trận thì sao ?

Trong Tôi là con gái của cha tôi (NXB Phụ Nữ, quý 3/2019), Tôi là tác giả – con gái của một người lính miền bắc, cũng đồng thời là con gái của người lính miền nam phải đi “ học tập cải tạo ” sau 1975.

Chân dung những người lính miền nam đa dạng, phong phú chi tiết với vô vàn những sự thật chiến tranh / sự thật hậu chiến tàn nhẫn. Bởi người lính miền nam nhìn cuộc chiến qua đôi mắt của chính mình, biết rõ chiến tranh qua chính thân phận mình, những-dân-thường, và vì thế nhiều người trong họ đã tìm cách trốn lính.

Khi không thể trốn, họ phải ra chiến trường, và là kẻ thua trận, họ phải trả giá thay cho những người đã đào thoát thành công.

Đó là một hạ sĩ, đã giải ngũ từ 1973 vì bị cụt một chân nhưng sau 1975 vẫn phải đi cải tạo, vì những lý do chẳng ai giải thích.

“… Lớn lên, em thấy hai hàm răng của ba chỉ còn bốn chiếc. Ba giải thích do ăn uống bị thiếu chất, răng rụng gần hết sau những năm đi học tập... Ba mất quyền công dân từ khi giải phóng cho tới năm 2013. Năm 2013 ba bị bệnh nặng, tình trạng như sắp ra đi, em đi làm thủ tục cấp chứng minh thư cho ba.. Em muốn trước khi chết ba em là một công dân như bao người. Em nói với người ta : Cấp cho ba con giấy khai sinh để làm thủ tục khai tử. Người nhận lời giúp đỡ nói : Ừ, ông ấy thì làm được gì nữa mà không cấp ”.

Không chỉ cụt chân, người thương binh này về sau còn mù cả hai mắt, hẹp động mạch vành, ung thư phổi, thoái hóa cột sống thắt lưng, và ung thư đường tiết niệu. Vào những ngày cuối đời, trời đã ban phép lạ, cho ông gặp lại người phụ nữ tuyệt vời năm xưa đã chia sẻ cùng ông một tình yêu bất hạnh, thứ tình yêu đã không thể có đường sống trong cuộc chiến.

Đó cũng là một người Hà Nội gốc, gia đình có hãng xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, di cư năm 1954 khi mới một tuổi. Ông đã qua tuổi thơ bụi bặm cùng đám thiếu niên du thủ du thực trên bãi rác Mỹ gần Tổng kho Long Thành trước khi bị bắt lính…

“… Người Mỹ xuất hiện, đời sống xã hội đổi thay, đảo lộn. Khánh thành cầu bê tông, khánh thành xa lộ… Xuất hiện những khu gái điếm phục vụ lính Mỹ... Gái miền quê bỏ ruộng đồng đi vào quán bar, hộp đêm, để chiều chuộng binh lính Mỹ tới bến. Chưa khi nào chú thấy phẩm giá người phụ nữ Việt Nam bị hạ thấp như thế, nhục nhã như thế. Trước cửa nhà, các chị đứng ngồi ngả ngớn, nói với nhau làm thế nào cho thật ngon mắt. Rồi cười rũ lên, so kích cỡ thằng đen với thằng trắng… Chú mới mười sáu tuổi ngồi đó, họ không thèm chấp. Chồng các chị đang ở chiến trường… Một anh trở về đã lấy súng bắn chết vợ khi cô ấy sinh ra một đứa con da trắng… Nếu là chú, chú không dám chắc mình làm khác đi…”.

Người lính này, sau khi đã trải qua đủ thứ trầm luân khổ ải, đã tự giao cho mình một công việc…

“… Dạo đó chú tham gia lớp học sửa máy vi tính ở nhà thờ. Những lúc rảnh chú lại lên mạng. Rồi chú cũng biết lập facebook. Một bữa đi đường, gặp ông thương binh hoàn cảnh nghe cũng bi đát, chú mới hỏi tên đơn vị cũ, số quân, rồi chụp ảnh ông đăng lên facebook. Không ngờ có người đọc được, họ chia sẻ, qua đó hỏi thăm nhau… Người ta nhờ chú chuyển giúp cho người trong ảnh, trong video năm trăm, một triệu… Dần dà, nhiều người biết việc chú làm. Nghe đâu có thương phế binh là họ nhắn cho chú. Chú theo địa chỉ đi tìm, xác nhận thông tin. Một chút quà, một sự thăm hỏi nhỏ nhẹ chẳng thay đổi được cuộc đời, nhưng có thể làm ấm lòng anh em ”.

Đó cũng là một thương binh nhập ngũ năm 1961, bị thương tại Quảng Nam năm 1970, với cảnh đời quá bi thương :

“… Một hình hài nằm trên manh chiếu cũ nát trải trên nền nhà. Một tay cụt đến vai. Hai chân cụt đến háng. Một manh quần đùi phủ lên cho có. Chiếc áo sờn, đứt cúc, cúc nọ chắp vào khuy kia.

Vợ ông nói : Tôi đã khổ vì kiếm ăn, lại còn phải lo động viên ông, canh chừng ông. Ông chỉ muốn chết.

Trong ngôi nhà đó chẳng có gì gọi là của cải. Bát ăn cơm cũng là cái bát đựng mủ cao su vợ ông lượm về. Vài ba cái thìa nhựa. Mấy cái nồi nhôm méo mó. Đến bữa ăn bà trộn một bát cơm canh rồi đút. Ông trệu trạo nhai nuốt…

“… Bức ảnh chụp lần cuối cùng là bác Lý đang nằm ốm, trên mình phủ chiếc khăn mặt úa nhàu. Gần chỗ bác nằm có khung cửa sổ. Bác nằm như thế, qua những sáng những chiều, qua những tháng những năm. Bác nằm như thế trong hai phần ba cuộc đờimình…

Vì sao bác phải sống. Vì bác sĩ nỗ lực cứu bác đến cùng. Vì suốt bốn mươi tám năm, người vợ hiền không bỏ bác một ngày nào…”.

Ở miền Nam, không phải cứ cầm súng mới gánh chịu tai ương. Chính người dân mới là nạn nhân khốn khổ nhất, khi tay không lại phải đứng giữa hai lằn đạn. Súng đạn phe nào cũng có quyền giết họ. Ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản. Những vùng quê ấy, người dân không biết phải sống thế nào, trong khi cái chết thì xộc tới họ trong từng giây phút.

Ở Cam Lộ - Quảng Trị, một gia đình có người chồng đi tập kết, tức là chỉ sang bên kia sông Bến Hải. Rồi ông chồng tìm cách quay trở lại, nhờ vả sự hỗ trợ của gia đình, khiến người vợ trở thành đối tượng cho mọi cuộc bắt bớ khảo tra.

“… Những gia đình có người tập kết ra Bắc đều được ghi vào sổ đen. Mỗi năm có vài đợt thanh lọc. An ninh quận về, lùa hết mọi người ra thôn, các gia đình chỉ tội nhau. Tội nhẹ ngồi lại một góc. Tội nặng lại một góc… Mỗi đợt thanh lọc lại có những người mẹ, người vợ bị lôi đi tra khảo. Lần nào trong số những người đó cũng có mẹ. Có khi chỉ một người bị gọi đi. Người đó là mẹ.

Khi trở về mặt mẹ đen như than. Mẹ bị tra điện. Chúng nó dí điện vào các đầu ngón tay, mẹ giật nẩy người lên cao rồi rơi xuống ghế.

… Từ giữa mùa hè năm 1966 đến đầu năm 1973 mẹ bị đưa đi tra tấn không biết bao nhiêu lần. Chúng pha nước xà phòng, trộn ớt cay đổ vào mặt, vào mũi, vào họng. Bắt mẹ khai.

Chồng ở đâu ? Việt cộng ở đâu ? Hầm bí mật ở đâu ? Bới cơm cho Việt cộng mấy lần…

… Mười ngón tay mẹ co quắp suốt đời vì bị chích điện.

Mảng da sau lưng mẹ chảy máu. Một bên mông bị lở loét, lên giòi. Khi được thả về, phần mông đã hoại tử. Mẹ thành người tàn tật suốt đời. Mông bị vẹo, lưng bị vẹo, bước chân mẹ bị lệch sang một bên...”.

Còn đây là sự trải lòng của một người lính khác :

“… Hãi hùng lắm con ơi. Chú không còn muốn nói gì về chiến tranh nữa. Ở chiến trường đụng trận chết thì đành, còn ở ấp ở xã người ta giết. Mạng con người còn thua con gà… Kêu đi ra đò là phải đi ra đò. Sáng mai nhìn thấy xác bên đò. Không có bản án, không có xét xử… Anh họ của chú bốn mươi tuổi vẫn phải đi lính. Đang đi, có người dụ về làm dân. Anh bỏ ngũ, về, mấy hôm bị bắn, không biết ai bắn,… Ai chịu không nổi nhảy vô rừng. Vô rừng không ưa, nhảy đi lính…”.

“… Chú chỉ vào một trong những vết thương trên cánh tay trái. Chỗ này là chú tự bắn. Chú nghĩ mình chết thì không sao nhưng nếu gãy tay, mất tay thì về nhà biết làm gì mà sống. Chiến tranh thì chẳng biết khi nào kết thúc. Tội tự hủy hoại thân thể phải đi tù nhưng chú được ông đại đội trưởng bao che. Ổng sau đó cũng tự bắn vào cánh tay như chú. Ổng bị thương, chạy tiền xếp loại 2 thương binh, được giải ngũ. Chú thì lành vết thương, đi tiếp.

Đi tiếp cho tới khi cụt giò và hư một con mắt ”.

Năm 1973, bên sông Thạch Hãn - Quảng Trị, người lính nhảy dù mười tám tuổi bị một viên đạn trổ từ sau lưng ra trước bụng, làm thủng bọng đái và đường tiểu. Vết thương quá rộng, phải chờ thịt mọc thêm ra mới phẫu thuật. Tháng 4/1975, anh thương binh hai mươi tuổi vất vả tìm đường về lại quê hương Bến Tre, vui mừng nghĩ rồi sẽ chữa lành vết thương và sống đời dân sự. Vài lần sau đó, anh dành dụm tiền lên Sài Gòn tìm thầy, nhưng các bác sĩ Sài Gòn đã đi hết cả. Anh quay về, chấp nhận sống tiếp quãng đời dài còn lại với bịch nước tiểu đeo bên người.

Anh dựng một cái chòi ngoài đồng ruộng để sống bằng nghề nuôi vịt. Hai mươi bảy tuổi, mẹ cưới cho anh cô gái chăm chỉ khỏe mạnh ở cùng ấp. Cô chỉ biết về người chồng tương lai là anh ấy đẹp trai và rất hiền.

Ngày đầu tiên làm vợ, cô kinh hãi nhìn thấy cả đống dây nhợ chằng chịt quanh bụng chồng bên cạnh bịch nước tiểu. Và họ không thể sinh hoạt vợ chồng như mọi đôi lứa. Cô giấu sự thật, nói với người thân rằng họ không con vì anh bị vô sinh. Cha mẹ cô là Phật tử, mỗi ngày đều tụng kinh, cầu Đức Phật phù hộ cho con rể chữa lành bệnh. Cô sống đời người vợ đã được ba mươi sáu năm, còn chồng cô chịu đựng tình trạng ấy đã bốn mươi sáu năm…

“… Ngôi nhà được dựng lên từ chòi vịt năm xưa. Gọi là ngôi nhà nhưng thực ra là một cái lán có cột xi măng và lợp tấm phibrô.

Mùi phân bò hăng sặc lên khi tôi vừa dừng xe máy bước vào… Gian ngoài là bàn uống nước và chiếc giường của cô ; gian trong, chuồng bò và giường của chú.

… Trong một cái lán có hai con người sống chung với bốn con bò. Hoặc là, nói khác đi – trong chuồng bò đó có hai con người cùng chung sống.

Tôi không tin nổi những gì mình nhìn thấy đây là thật. Tôi muốn thét lên. Tại sao cô chú sống được cuộc sống như thế này.

Quen rồi. Là hai từ chú giải thích cho tất cả nỗi bức xúc của tôi.

… Chú nhắc tôi uống nước dừa. Đầu óc tôi lung bung. Tôi nhìn cốc nước dừa. Tôi nhìn bịch nước vàng sẫm bên mình chú…

… Cô tiễn tôi ra về một quãng xa. Tôi đau đớn nhìn cô. Vậy là cô chú chưa khi nào làm việc đó? Cô lắc đầu. Lúc này tôi mới nhìn thấy giọt nước mắt của cô. Giọt nước mắt vừa lăn trào cô đã quệt đi rất nhanh.

… Chạy xe qua hàng chục cây số, qua không biết bao nhiêu là cây cầu, tôi mới dừng lại được. Tôi gục mặt xuống bàn tay. Tôi khóc nấc lên. Lời chú nói nhẹ tênh. Giải phóng trễ một chút có khi chú lành rồi ”.

Một người lính khác, từng qua các sắc lính thủy quân lục chiến, thám sát, lôi hổ, một tiểu sử dày đặc chuyện chiến trận / hành quân. Quá nhiều mạng người đã rơi rụng, theo mọi cách chết mà con người có thể gây ra....

zalo