Thời Tiên Tần là một giai đoạn cực thịnh của triết học Trung Quốc với cục diện "bách gia tranh minh, chư tử khởi phong, trăm nhà đua tiếng" thời bấy giờ đã mở ra những chân trời tư tưởng vô cùng phong phú và da dạng, không chỉ cho triết học Trung Quốc về sau mà còn cho cả nền triết học thế giới. Nếu triết gia A.North. Whitehead đánh giá truyền thống triết học châu Âu chỉ là “một loạt các chú thích cho triết học Plato”, thì ta cũng có thể nói rằng triết học Trung Quốc sau thời Tiên Tần là “một loạt những chú thích” cho kho tàng tư tưởng được khai nguồn từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
Triết học Trung Quốc của Phùng Hữu Lan
Bộ triết học sử này ra đời vào giai đoạn mà phương Đông phải đối mặt với sự tàn phá khốc liệt của những thế lực quân sự phương Tây trong công cuộc thực dân bành trướng, trong thời gian kéo dài hàng thế kỷ. Theo bàn chân của những đoàn quân viễn chinh xâm lược, nền văn hóa phương Tây lan dần đến phương Đông, hình thành nên sự giao thoa văn hóa vĩ đại có thể nói là vô tiền tuyệt hậu trong lịch sử tư tưởng nhân loại.
Có lẽ đây là bộ triết học sử Trung Quốc phong phú và công phu nhất. Về triết học Trung Quốc, Phùng Hữu Lan là một học giả được thế giới công nhận là triết gia. Với cách biên khảo khoa học và kiến thức uyên bác, tư duy độc sáng với các kiến giải mà ông xác định là riêng của bản thân chứ không dựa theo bất cứ người nào khác, ông đã đem lại những cái nhìn mới lạ về các tác phẩm kinh điển cổ đại vốn ít nhiều đã quen thuộc với độc giả xưa nay. Bộ Trung Quốc Triết Học Sử này vì thế vô cùng bổ ích cho người quan tâm tìm hiểu về triết học Trung Quốc.
Bàn về Triết học và triết học Trung Quốc
Trên thực tiễn, lịch sử tư tưởng nhân loại đã minh chứng cho chúng ta thấy trong triết học không hề có một hệ tư tưởng nào mang giá trị vĩnh cửu, trong cõi tư tưởng không thể có duy nhất một con đường. Cho rằng chỉ có mình mới nắm được chân lý, chỉ có tư tưởng của mình mới là duy nhất đúng, đồng với ta thì cho là phải, nghịch với ta thì cho là trái, điều đó cũng ấu trĩ như một đứa trẻ vốc một ngụm nước biển trong tay và bi bô đó là nước của cả đại dương. Nhiều con đường khác nhau vẫn dẫn về cùng một chốn duy nhất. Nếu tác phẩm này của Phùng Hữu Lan giúp bạn đọc mở thêm ra một con đường mới trong cõi tư tưởng thì các bạn càng thể hội thêm lời của đức Khổng: “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự.”