Giới thiệu sách Văn Học Miền Nam Lục Tỉnh - Tập 2: Văn Học Hán Nôm Thời Khai Mở Và Xây Dựng Đất Mới
So với chiều dài của lịch sử dân tộc nước Việt Nam ta thì Đàng Trong được gọi là vùng đất mới. Đàng Trong là để chỉ miền Nam, và sau này dưới thời Pháp thuộc Đàng Trong được gọi là Nam kỳ.
Tuy là vùng đất mới nhưng ở đâu có con người đến khai phá lập nghiệp thì hiển nhiên có sự phát triển của ngôn ngữ, văn chương.
Văn Học Miền Nam Lục Tỉnh ( Tập 2): Văn Học Hán Nôm Thời Khai Mở Và Xây Dựng Đất Mới thể hiện giai đoạn sơ khai đến phát triển của văn học Hán Nôm xứ Đàng Trong. Khi sự quản lý về mặt hành chính của các chúa Nguyễn được định hình thì văn học Hán Nôm của xứ Đàng Trong cũng ra đời và phát triển. Khi chính quyền xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn đã đi vào ổn định thì việc học hành, thi cử, các tác phẩm văn chương và khảo cứu địa dư lần lượt ra đời, các loại hình văn tế trong các hoạt động tín ngưỡng cũng được chuẩn hóa mang sắc thái và ngôn ngữ riêng của Nam Bộ. Nổi bật trong tập biên khảo này là: Văn học Hán Nôm thời sơ khai cho đến các tác giả lớn thời kỳ đó như Mạc Thiên Tích, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, ...
Bộ sách Văn học miền Nam Lục tỉnh của tác giả Nguyễn Văn Hầu là một trong số hiếm hoi tác phẩm thể hiện được một cách có hệ thống quá trình hình thành và phát triển của văn học miền Nam từ khi mở đất đến hết thời kỳ Pháp thuộc 1945.
Bộ Văn học miền Nam Lục tỉnh gồm 3 tập:
Tập 1: Miền Nam và văn học dân gian địa phương
Tập 2: Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới
Tập 3: Văn học Hán Nôm và văn học Quốc ngữ thời kháng Pháp và thuộc Pháp